Thân thiện với môi trường
Mấy hôm nay chị Sáu - người giúp việc cạnh nhà tôi đi chợ với chiếc giỏ nhựa màu xanh đung đưa trên tay coi rất điệu. Tôi trêu chị, hôm nay đổi mốt há! Chị cười, thì một phần là xách túi xốp coi nó lỉnh kỉnh. Hai nữa là nếu có mua ít cá mực tươi là nước ngâm rửa nó nhỏ giọt ra đường, mất vệ sinh. Ba là xách giỏ nhựa cũng hạn chế được phần nào xài bao nilon, cái thứ đó nó khó phân hủy, hại tới môi trường. “Cô chủ nhà tui nói vậy, tui làm theo vậy. Mà chắc là đúng phải không cô? Hôm qua tui có nghe trên vô tuyến người ta cũng nói y hệt vậy”, chị nói trong tâm trạng phấn khởi của một sự phát hiện mới.
Nghe chị nói, tôi chợt nhớ, tuần rồi, cháu trai tôi vừa học hết lớp 4 được dự trại hè học sinh giỏi về cũng khoe: “Ở trại hè, con nghe thầy Tổng phụ trách của con giảng về 10 hành động đơn giản bảo vệ môi trường. Dễ ợt à. Thầy nói điều đầu tiên phải hiểu và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đa dạng sinh học. Cho nên con về con nhắc mẹ con liền, là mẹ đừng xài nhiều bao nilon, mà phải mua bao tự hủy ngoài siêu thị về xài. Con cũng giúp mẹ gom các loại lon, chai lọ, hộp giấy để con nộp kế hoạch nhỏ, sau này mấy chú công nhân đem về ép nó lại thành một loại vật liệu khác để sử dụng tiếp”. “Vậy con có lời khuyên gì cho dì không?”, tôi hỏi khó thằng nhỏ. Cu cậu nhanh nhảu trả lời: “Dạ nhà dì xài máy lạnh, quạt máy, bóng đèn nhiều quá. Con nghĩ chắc dì phải tắt bớt đi, vừa khỏi hao điện, vừa bớt xả nóng ra xung quanh. Như thầy con nói đó là bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm năng lượng”.
Ôi, tôi thật sự phục thầy Tổng phụ trách Đội đã làm tăng thêm kiến thức và khả năng thuyết phục của đứa cháu nhỏ bé của tôi. Cũng hết sức nể cô nhân viên ngân hàng cạnh nhà trong việc hướng dẫn chị người làm cách chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm rất nhỏ và hữu ích. Thay đổi thói quen của mình đã khó, vận động mọi người thay đổi thói quen càng khó hơn. Phải dùng lời lẽ giải thích, thuyết phục; vừa phải hướng cho mọi người chuyển sang một cách làm mới, thay thế cách làm cũ, hay hơn, tốt hơn. Thậm chí, có khi phải sử dụng đến biện pháp mạnh, chế tài. Tôi hãy còn nhớ cách đây 5 năm, khi lần đầu tiên đi Hồng Kông, tôi khá nhà quê khi thắc mắc, “sao lại bán món hàng rất nhiều tiền vẫn cứ không tặng túi đựng mà bắt mình phải mua?”. Cậu hướng dẫn viên cười xòa, chị chưa biết à, họ hạn chế dùng bao nilon bằng cách đưa vào thực hiện chính sách đánh thuế túi nilon từ năm 2009. Theo đó, mỗi túi nilon thông thường phải chịu mức thuế là 0,5 đô la Hồng Kông (tương đương với 1.250 VND). Tuy có nhiều sự tranh cãi về chính sách này, nhưng chỉ sau 1 năm áp dụng, số lượng sử dụng bao nilon ở Hồng Kông đã giảm đến 90%. Tìm hiểu thêm mới thấy, rõ ràng là thói quen của người tiêu dùng Hồng Kông đã thay đổi đáng kể từ ngày quy định mới tác động vào chính túi tiền của họ. Mọi người bắt đầu dùng túi riêng của mình khi đi mua sắm thay vì dùng các loại túi nilon miễn phí như trước đây. Trước khi bị đánh thuế, trung bình một người Hồng Kông sử dụng khoảng 1.200 túi nhựa mỗi năm, nghĩa là khoảng 3 túi/ngày/người. Hơn 30 triệu túi nilon bị vứt đi hàng ngày chiếm khoảng 6% trong số 17.500 tấn rác bị thải ra ở Hồng Kông. Các nhà nghiên cứu đã xác nhận, túi nilon là loại rác thải phải mất rất nhiều năm mới tiêu hủy hoàn toàn và được coi là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh Hồng Kông, giờ đây, nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đang bắt đầu áp dụng chính sách tính phí trên loại túi này để hạn chế lượng túi thải ra hàng ngày, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường và cải thiện thói quen cho người dân.
Có rất nhiều điều liên quan đến bảo vệ môi trường, chứ không chỉ riêng câu chuyện giảm dùng vật liệu khó tiêu hủy, sử dụng năng lượng đúng mực, không lãng phí; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozon như chúng ta vừa gặp qua một vài câu chuyện nhỏ trong cuộc sống ngày thường. Tuy nhiên, trước khi làm được điều gì to tát hơn, chắc chắn những việc làm đơn giản lại có tầm quan trọng bởi sự khởi đầu làm thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen - như một con đường nhỏ trong xóm, làng sẽ dẫn ta ra đại lộ với các chính sách lớn của quốc gia. Một bài nói chuyện với trẻ em trong trại hè, một sự giải thích dễ hiểu, ân cần nhưng tác động ngay đến nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm của từng người vì một lợi ích chung cho toàn xã hội là hết sức cần thiết. Đó cũng chính là thái độ tích cực, thân thiện với môi trường cần có ở mỗi chúng ta.
NGỌC MINH