.

Quyết liệt phòng chống thiên tai

Cập nhật: 18:42, 31/05/2018 (GMT+7)

Việt Nam là đất nước “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”! 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại  câu ca này trong một cuộc hội nghị mới đây bàn về “Phòng chống thiên tai”, để nhắc nhở mọi người những điều khốc liệt, bất thường về thời tiết, khí hậu diễn ra trên đất nước ta những năm qua. Mưa bão, tố lốc, lũ lụt - lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nối tiếp và đan xen với nắng nóng, khô hạn khủng khiếp. Philippines là đảo quốc nằm giữa lòng Thái Bình Dương, nơi hình thành và xuất phát của hầu hết các cơn bão, siêu bão nhiệt đới, chủ yếu hướng thẳng vào nước ta. Việt Nam, dải đất hẹp có hình chữ S - án ngữ biển Thái Bình Dương, với chiều dài bờ biển hơn 3.260km, từ địa đầu Móng Cái vùng Đông - Bắc đến cửa biển Hà Tiên tận cùng Tây - Nam, với một quần thể từ Bắc xuống Nam nhiều đảo lớn nhỏ trên Biển Đông, hứng chịu mỗi năm hàng chục cơn bão lớn. Phía Tây là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ  “tụ bão”, dễ sinh gió giật và mưa lớn, kéo dài từ Bắc vào Nam.

Năm 2017, có 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hình thành từ vịnh biển Philippines nối tiếp nhau đổ bộ vào Việt Nam. Bão chồng lên bão, áp thấp chồng lên áp thấp, bão tố và mưa lũ dồn dập. Có thời điểm không có bão, nhưng do tác động của các dải hội tụ nhiệt đới từ bên ngoài tràn tới, tạo những trận mưa xối xả vùng núi phía Bắc và suốt dải đất hẹp khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có những thời điểm mưa trên dưới 100-150mm, đường phố biến thành sông, có nơi ngập cả mét nước. Năm 2017, từ hơn nửa thế kỷ nay, lần đầu tiên cơn bão 12 - tâm bão gió cấp 11, giật cấp 13, 14 đổ bộ vào TP. Nha Trang - Khánh Hòa và Nam Phú Yên, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Năm 2017, lũ quét, lũ ống cùng lúc “nã” vào Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, vùng Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… dòng nước xoáy kéo theo đất đá, bùn lỏng vùi lấp nhiều thôn xóm, bản làng có đông dân cư ngụ. Các hồ đập thủy điện, thủy lợi, những túi nước khổng lồ, dung tích hàng triệu m3 chực chờ từ trên cao, có thể đổ ụp xuống vùng hạ du bất cứ lúc nào - hoặc do xả lũ hoặc vỡ đê, đập.

Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, Nam bộ nói chung, vùng đất, vùng biển xưa nay vốn được coi là “mưa thuận gió hòa”, ít bão tố. Tuy nhiên, năm 2017 thời tiết khí hậu đã có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2017 sắp đi qua, bão Tembi (tên quốc tế), tức cơn bão số 16, gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, dự báo lúc đầu là đổ bộ vào Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), các địa phương Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, nhưng sau đó, trong thời gian rất ngắn đã đổi hướng xuống biển Nam, biển Tây nên Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam bộ tránh được thảm họa. Còn nhớ, Cà Mau và Nam bộ, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn 20 năm, cơn bão Linda (bão số 5, năm 1997) đã tàn phá không thương tiếc vùng Cà Mau, các địa phương Tây Nam bộ làm chết và mất tích hơn 3.000 người, tổng thiệt hại khoảng 385 triệu USD.

Năm 2017, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng phụ cận TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận hứng chịu những trận mưa cực lớn, gây thiệt hại hàng ngàn ha lúa, rau xanh, cây trái… Đập nước Gia Hoét trên địa bàn huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu (hồ rộng 70ha, dung tích 4 triệu m3 nước), do mưa lớn kéo dài, nước hồ dâng cao vượt cao trình, nguy cơ vỡ toác thân đập cận kề, nguy hiểm sẽ ập đến - nếu lúc đó không kịp thời ứng cứu. Năm 2017, trên cả nước, thiên tai đã cướp đi sinh mạng 387 người, tổng thiệt hại hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 300% so với mức thiệt hại trung bình của nhiều năm. Thời điểm này, cuối tháng 5-2018, cả nước có 1.200 hồ đập bị hư hỏng, trong đó có 300 hồ đập được báo động nguy hiểm, cần sửa chữa gấp, trước khi mùa mưa bão đến. 

Thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu khốc liệt. Điều gì sẽ xảy ra? Quả thực, mọi sự dự báo, dự đoán dù tài giỏi, kinh nghiệm đến mức nào cũng chỉ có thể đoán định được một phần nào cơ bản mà thôi. Như vậy, tai họa từ thiên tai có thể đến bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Cha ông ta đã tổng kết, xếp thứ tự các thảm họa: “Thủy, hỏa, đạo tặc”. Bão lũ, giông tố là điều không ai có thể xem nhẹ, coi thường. Phòng chống thiên tai là mệnh lệnh, là quyết sách, cần huy động tổng lực mọi lực lượng, các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Và khi sự cố, thảm họa xảy ra, bài học “4 tại chỗ” - tự cứu mình, luôn luôn là bài học cần thiết. Quyết liệt phòng chống thiên tai, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, quyết liệt, không chần chừ, chủ quan, ỷ lại. Có như vậy, phòng chống thiên tai mới hiệu quả, có thể giảm thiểu thiệt hại  thấp nhất. 

HẢI VÂN

HẢI VÂN

.
.
.