Lời cảnh tỉnh cần thiết!
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - ông Nguyễn Văn Tuấn vừa có thư xin lỗi bà Lynne Ryan, du khách Úc, người đã trải qua “cơn ác mộng” khi trải nghiệm du lịch tại Hạ Long. Trong thư, người đứng đầu Tổng cục Du lịch chuyển lời xin lỗi của đại lý bán tour tới bà Lynne Ryan và các bạn, thông báo về việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng và dịch vụ, tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng gửi lời cảm ơn những phản ánh và ý kiến đóng góp của nữ du khách về tình hình du lịch tại Việt Nam.
Trước đó, thông qua trang 9new.com.au và trực tiếp trên trang Facebook cá nhân, nữ du khách người Úc Lynne Ryan đã “tố” về các dịch vụ kém chất lượng trên một tàu du lịch ngủ đêm ở vịnh Hạ Long không đúng với chương trình du lịch được chào bán cũng như cam kết của đơn vị lữ hành. “Đầu tiên là điều hòa hỏng, được chuyển sang phòng khác thì toilet cũng hỏng, lại nhiều gián và cứt chuột. Bữa sáng hôm sau thì được phục vụ bánh mì mốc”. Bà Lynne Ryan viết.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Jenny Kershaw, một nữ du khách đến từ Manchester (Anh) cũng đã than phiền trên Twitter của mình về sự thất vọng khi hình ảnh thực tế của khách sạn nơi cô tới ở, khác xa với những gì quảng cáo trên website trước đó.
So với những vụ việc cãi cọ dẫn đến hành hung, đánh đập du khách nước ngoài mà không ít trường hợp trong số đó phải nhập viện cấp cứu thì “cơn ác mộng” của bà Lynne Ryan hoặc Jenny Kershaw chưa phải là nghiêm trọng lắm. Tuy vậy, vụ việc vẫn gây “chấn động” trong nhiều du khách quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh du lịch Việt Nam.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, có thể do bức xúc trước chất lượng dịch vụ không tốt như giới thiệu trong tờ rơi nên bà Lynne Ryan đã quá lời nhưng những vấn nạn mà bà nêu đều là những điều có thật trong môi trường du lịch nước ta.
Vài năm trở lại đây, khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam thường chịu nhiều phiền phức bởi tình trạng đeo bám, chèo kéo để ăn xin, bán đồ lưu niệm; nạn lừa đảo, hành hung, cướp giật tài sản du khách liên tục xảy ra ở nhiều nơi. Không ít du khách đã hoang mang, lo lắng khi hộ chiếu, tiền bạc, tư trang bị kẻ cướp giật mất chỉ vài giờ sau khi đến Việt Nam... Thống kê của cơ quan chức năng các TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hội An cho thấy, số vụ cướp giật tài sản của khách nước ngoài năm 2017 tăng từ 20-30% số vụ so với năm 2016 và chủ yếu xảy ra ở khu vực trung tâm thành phố. Những vấn nạn trên đây đã khiến cho hình ảnh du lịch Việt Nam giảm đi phần thân thiện, hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đó, nên coi những lời phàn nàn của bà Lynne Ryan là lời cảnh tỉnh cần thiết để ngành du lịch - nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chú ý gìn giữ tốt hơn hình ảnh Việt Nam trong lòng du khách. Một chuyên gia du lịch từng có một lời khuyên ý nhị rằng, hãy gìn giữ môi trường du lịch như gìn giữ khoảng sân nhỏ trước nhà để du khách đi ngang qua có thể yên tâm mà bước vào nghỉ chân, ở lại để làm quen và khám phá những giá trị tốt đẹp của ngôi nhà.
Năm 2017 là một năm khá thành công của ngành du lịch Việt Nam với tổng lượng khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt, doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tăng 29,1% so với năm 2016. Kết quả này có thể xem là kỳ tích của ngành khi lần đầu tiên mức tăng về du khách quốc tế đạt 2,9 triệu lượt/năm. Mục tiêu của ngành kinh tế “mũi nhọn” nước ta trong những năm tới là đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú của đất nước, phấn đấu thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được con số này ngành du lịch và các địa phương phải nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người làm du lịch và cộng đồng về việc gìn giữ hình ảnh và lợi ích quốc gia, đặc biệt là khắc phục cách làm du lịch thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp, chấm dứt tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” đã và đang làm mất đi ấn tượng tốt đẹp của bè bạn bốn phương về đất nước Việt Nam xinh đẹp và giàu lòng mến khách.
HẢI LĂNG