.

Nông sản lệ thuộc

Cập nhật: 19:09, 25/05/2018 (GMT+7)

Cô bạn cùng lớp thời đại học quê ở Quảng Trị về quê vào, mua luôn 20kg ớt, mấy hôm nay phơi đỏ rực trên sân thượng. Hỏi ra mới biết, từ đầu tháng 5 đến nay, ớt rớt giá thê thảm, vài ngàn đồng/kg. Nguyên nhân là phía Trung Quốc, thị trường tiêu thụ ớt giảm mua, còn thị trường trong nước cung vượt cầu. Những vùng đất trồng ớt trọng điểm dọc miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định, ớt chín đỏ rực không ai mua. Bạn về quê, thấy thương người dân nên mua hộ, rồi kêu gọi “giải  cứu” ớt. “Nhưng chẳng bõ bèn gì, mua ủng hộ cũng chỉ được vài ba ký, cay thế đâu ăn nhiều được. Nhìn người dân quê nhọc nhằn chăm sóc ớt, hy vọng đến mùa thu hoạch bán để có tiền sắm sanh chút đỉnh nhưng giờ lỗ nặng, thương lắm”, bạn cảm thán.

Không chỉ có ớt, những ngày này tại Quảng Nam, dưa hấu cũng đổ đống vì không có ai mua, giá rớt còn 1.000-2.000 đồng/kg. Theo lý giải của những người dân, nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ chính của dưa hấu là Trung Quốc ngưng mua. Và công cuộc “giải cứu” dưa hấu lại được cộng đồng mạng phát động rầm rộ trên facebook.

Diễn biến của thị trường dưa hấu, ớt lần này khiến chúng ta nhớ lại những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018 đối với heo, hay mít Thái siêu sớm, chuối, cũng với cách thức thương lái Trung Quốc thu mua ào ào, đẩy giá lên cao rồi bỗng dưng dừng mua đột ngột khiến không ít nông dân lâm vào cảnh khốn đốn vì đổ nợ. Nghĩa là, khi thị trường Trung Quốc “hắt hơi” thì nông sản rơi vào thế khó. Và điều này thường xuyên lặp đi lặp lại nhưng vẫn chưa có những giải pháp phù hợp.

Nông sản trong nước bao giờ hết phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải. Bởi trên thực tế, với 1,37 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường lớn không chỉ đối với nông sản Việt. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hiện có 8 mặt hàng nông sản ghi danh vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên, đáng lo là ngoại trừ hạt tiêu, 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, với mặt hàng gạo, thị trường Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất với 39,3% thị phần; Cao su xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 1 tỷ USD. Mặt hàng rau quả, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng chiếm thị phần tới 76%, tốc độ tăng trưởng 53%. Ưu điểm lớn nhất của thị trường “dễ tính” này là hàng rào kỹ thuật không quá khắt khe nên nông sản Việt Nam xuất sang chủ yếu ở dạng thô. Điều này tuy là lợi thế, nhưng phải chịu thiệt về giá cả và luôn trong tình trạng đối mặt với nhiều rủi ro.

Trong khi đó, một thực trạng của ngành nông nghiệp là lâu nay bà con nông dân vẫn giữ thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả còn cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, để tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc đòi hỏi sản xuất sạch, tích cực tìm kiếm, khai thác tiếp cận thị trường mới như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, châu Mỹ... Yếu tố quan trọng nữa là phải xây dựng thương hiệu. Một khi có thương hiệu, hàng hóa sẽ tiếp cận được với nhiều thị trường. Câu chuyện về xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định xuất khẩu sang Nhật; vải thiều Hưng Yên, Bắc Giang, thanh long Bình Thuận tiêu thụ tại thị trường EU, xoài cát An Giang vào thị trường Úc… được là minh chứng rõ ràng nhất.

Đã đến lúc, sản xuất nông nghiệp không thể tùy tiện, mạnh ai nấy làm mà cần phải liên kết, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thế giới, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng. Có như vậy, nông dân mới không phải khóc trên đồng ruộng của mình.

LAM GIANG

.
.
.