.

Ung thư... đạo đức!

Cập nhật: 19:06, 30/05/2018 (GMT+7)

Liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại nhóm trẻ Mẹ Mười (địa chỉ K251/32 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), chiều 28-5 vừa qua, Công an quận Thanh Khê đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Đinh Thị Hồng (46 tuổi, chủ cơ sở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Theo đoạn clip trên mạng facebook và nhiều hình ảnh ghi lại cảnh tại nhóm trẻ Mẹ Mười, 2 người phụ nữ bắt 2 bé trai cởi trần nằm ngửa giữa sàn nhà và liên tục nhét thức ăn vào miệng trẻ; khi bé trai khóc, một người phụ nữ trùm chiếc khăn lên mặt bé và đánh bé liên tục; có hình ảnh bà Hồng dùng hai tay nắm đầu một bé trai nhấc bổng lên cao.

Trước đó, ngày 24-5, Công an TP. Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả thực phẩm. Công ty TNHH Hồng An Phong là cơ sở đã đăng ký sản xuất và được cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm chức năng mang tên Vinaca, trong đó có sản phẩm Vinaca Co3.2 được quảng cáo có công dụng điều trị các loại bệnh ung thư. Tại buổi kiểm tra, đoàn phát hiện công ty này không sản xuất, mà chỉ đang đốt tre nứa để lấy than tro nghiền thành bột mịn để làm nguyên liệu cho sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2.

Cách 1 tháng trước, chiều 23-4, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, tạm giữ 5 người liên quan đến việc sản xuất cà phê giả, độc hại. Theo hồ sơ vụ án, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lâp, bắt quả tang nơi đây đang pha trộn bột lõi pin vào cà phê phế thải. Tại cơ sở này, lực lượng chức năng tịch thu hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã nhuộm đen và đóng bao bì; 35kg pin bị đập dẹp; 192kg lõi, nắp, vỏ pin; 40 lít dung dịch. Bà Loan khai, trước đó đã đưa hơn 3 tấn phế phẩm cà phê về tỉnh Bình Phước tiêu thụ.

Sự việc ở nhóm trẻ Mẹ Mười cho thấy hành vi bạo lực của người lớn gây đau đớn về thể xác cho những đứa trẻ con ngây thơ, hoàn toàn không có ý thức và khả năng chống trả; còn sự việc bột than tre làm thuốc Vinaca Co3.2 trị ung thư, dùng than pin để sản xuất cà phê cho thấy sự tàn ác, thiếu đạo đức trong kinh doanh. Thực tế cho thấy, còn khá nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề đạo đức của con người, xảy ra trong thời gian qua tạo ra nhiều dư luận mà cơ quan chức năng đã và đang tiến hành truy cứu, điều tra, xét xử gần đây, như: Vụ chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; vụ họa sĩ bodypainting N.L bị các người mẫu ảnh nude tố cáo hiếp dâm…

Những hành vi liên quan đến vấn đề đạo đức được ví như sự nguy hiểm của căn bệnh ung thư, nhưng ở đây là “ung thư đạo đức” do tâm lý, suy nghĩ, nhận thức của con người bị lệch lạc làm phát sinh “tế bào xấu”, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân nên dẫn đến những hành vi sai trái, gây tổn hại đến người khác và cộng đồng xã hội.

Để phòng, chống “ung thư đạo đức”, cần phải “điều trị’ bằng nhiều liệu pháp. Đó là sự chung tay của toàn xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện, hình thành nhân cách con người từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành; xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và lực lượng chấp pháp nghiêm minh để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý triệt để những hành vi sai trái là những “tế bào xấu” khi mới vừa xuất hiện ở thời kỳ đầu. Đặc biệt, liệu pháp tốt nhất để không mắc bệnh “ung thư đạo đức” là tự bản thân mỗi người cần xây dựng lối sống theo các chuẩn mực, quy tắc hành xử chung của xã hội, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng với quan niệm sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

GIA BẢO

.
.
.