Cách mạng 4.0, bao giờ?
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 25-5 vừa qua, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đưa ra nhận định “Có lẽ chúng ta là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về “Cách mạng Công nghiệp 4.0”(CM 4.0 ). Liền đó, ông Lộc đặt vấn đề: “Nếu các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ không có những thay đổi căn bản thì lấy đâu ra nguồn nhân lực và phát minh, sáng chế để khởi nghiệp, để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh?”.
Quả thật, chưa bao giờ cụm từ CM 4.0 lại được nói nhiều, quan tâm nhiều như dạo gần đây. Trên trang tìm kiếm Google Trends, một trong những từ khóa đang được “truy lùng” ráo riết ở Việt Nam (VN) chính là CM 4.0. Trên các phương tiện truyền thông, tại các hội thảo, hội nghị, diễn đàn…, không ít người không quên lồng ghép, nhấn nhá cụm từ thời thượng ấy trong các phát biểu, những buổi nói chuyện chuyên đề…
CM 4.0 được đề cập, nhìn nhận dưới nhiều góc cạnh, vừa mang tới nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Chẳng hạn, CM 4.0 là cơ hội để Việt Nam nắm bắt, bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước, đi nhanh cùng thế giới, nếu lần này bỏ lỡ cơ hội thì không biết bao giờ cơ hội đến nữa (?!). Tác động tiêu cực của CM 4.0 cũng được chỉ ra: Dư thừa lao động, nguồn nhân lực chi phí thấp sẽ mất dần lợi thế. Rất nhiều lời khuyến cáo được đưa ra “nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ, nguồn nhân lực; chính sách và hạ tầng để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới”.
Nói chung CM 4.0 được nói đến rất nhiều với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thế nhưng, cũng chỉ dừng lại ở đó, còn việc tiếp cận như thế nào, bắt đầu từ đâu, cụ thể từng bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì thì hãy còn… đủng đỉnh!
Nói vậy là có cơ sở. Bản báo cáo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố vào đầu tháng 3-2018 xếp VN thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CM 4.0. Những phân tích của WEF cho thấy ở hầu hết các chỉ số về khoa học, công nghệ, giáo dục, môi trường, đầu tư…, VN đều thấp so với các nước trong vùng. Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CM 4.0 để VN chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực cuộc CM 4.0 đem lại, ở hầu hết các bộ, ngành cũng mới chỉ đặt vấn đề ở mức “hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu tác động…” chưa có một kịch bản, chiến lược tiếp cận và phát triển phù hợp. Ngay tại Bộ KH-CN - bộ giữ vai trò nòng cốt, chủ lực trong cuộc CM 4.0 đến nay vẫn đang còn loay hoay với việc xây dựng dự thảo nghị quyết về tăng cường năng lực tiếp cận CM 4.0 trong khi Bộ GD-ĐT còn bận rộn với những cuộc cải cách, chưa kịp nghĩ đến việc đào tạo nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến đại học làm sao để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao thích ứng với CM 4.0.
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0, tổ chức vào trung tuần tháng 10-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý: “Các nước không nói nhiều tới cuộc CM 4.0 mà chỉ làm thực chất. Ta cũng phải ít nói đi mà hãy bắt tay vào thực hiện!”. Thiết nghĩ khuyến cáo này của Phó Thủ tướng có ý nghĩa cả với các bộ, ngành, địa phương. Thời gian không chờ đợi một ai. Con tàu CM 4.0 đang lao vùn vụt về phía trước, nếu còn đủng đỉnh, chậm chân, VN sẽ bị bỏ lại phía sau.
Có một thuận lợi rất lớn để VN có thể thích ứng nhanh với CM 4.0 là có đến 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Năm 2017, VN thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, 16%. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của VN đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc. Đó là kết quả của sự đầu tư lớn vào internet, vào hạ tầng công nghệ của các tập đoàn tên tuổi Viettel, FPT, VNPT… Đã đến lúc “nói ít đi” và nhanh chóng bắt tay hành động về CM 4.0 với những biện pháp, lộ trình cụ thể, bằng tâm thế và tư duy tương xứng với nền tảng công nghệ tuyệt vời mà các tập đoàn công nghệ thông tin đã dày công xây dựng trong hơn 2 thập niên qua.
NGUYỄN TRIỆU HẢI