.

Đừng để dự án du lịch che chắn bãi biển

Cập nhật: 19:59, 04/06/2018 (GMT+7)

Là một trong những quốc gia có đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển du lịch theo hướng khai thác lợi thế từ biển. Theo đó, các tỉnh, thành ven biển đều quy hoạch các khu du lịch (KDL) ven biển và kêu gọi đầu tư. Nhờ đó, các dự án KDL sát biển của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành có kết cấu hạ tầng phát triển, có lợi thế thu hút khách như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… hầu như đều đã được nhà đầu tư đăng ký lấp đầy.  

Việc phát triển các dự án du lịch đã đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, khoảng đầu những năm 2000, do nôn nóng thu hút nhà đầu tư để lấp đầy các dự án du lịch nên nhiều địa phương sẵn sàng tạo cơ chế thoáng cho nhà đầu tư. Điều đó đã phát sinh hệ lụy mà vài năm qua, một số địa phương đang phải tìm cách tháo gỡ. Hệ lụy phổ biến nhất là tình trạng nhà đầu tư không có năng lực tài chính, kinh nghiệm làm du lịch đã cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án để giữ đất, rồi chuyển nhượng nhằm thu lời. Đi dọc tuyến ven biển nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung, chúng ta sẽ thấy điểm chung: hàng loạt dự án KDL được quây kín bằng tôn hoặc xây hàng rào bít kín nhưng bên trong vẫn chỉ là bãi đất hoang. Khi bị địa phương nhắc nhở, cảnh báo thu hồi, chủ đầu tư đối phó bằng cách xin gia hạn, xin điều chỉnh thiết kế hoặc làm lễ khởi công, động thổ rình rang, sau đó bãi đất hoang vẫn là bãi đất hoang. 

Bên cạnh đó, một số địa phương như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận… đang phải lãnh hậu quả và tìm cách tháo gỡ là tình trạng quy hoạch du lịch, quy hoạch đô thị bị phá vỡ; người dân không có lối xuống biển, không còn bãi tắm công cộng. Bởi lẽ, các dự án du lịch được cấp san sát nhau, chủ đầu tư xây hàng rào rồi thu vé vào cổng. Ai muốn xuống tắm biển thì phải trả tiền. 

BR-VT cũng có hiện tượng nhà đầu tư đăng ký làm dự án du lịch nhưng không triển khai xây dựng. Dọc tuyến ven biển từ TP. Vũng Tàu đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, trong số hàng trăm dự án du lịch đã được cấp phép đầu tư cũng có hàng chục dự án chậm triển khai. Một số nhà đầu tư đã chuyển nhượng dự án, xin chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ từ dự án du lịch sang dự án căn hộ, biệt thự du lịch (condotel) với mục đích bán căn hộ, biệt thự để lấy tiền góp vốn từ người mua nhằm thu hồi vốn nhanh. Giống như một số tỉnh, thành miền Trung, một số KDL ở các huyện của BR-VT cũng được chủ đầu tư rào lại rồi thu phí khách xuống biển. Thành thử, người địa phương có nhu cầu tắm biển cũng phải mất tiền mua vé vào cổng các KDL này, còn không thì phải đi xa hơn, đến các bãi tắm công cộng, trong đó nhiều bãi tắm lẫn với đá, có dòng nước xoáy mạnh, nguy cơ mất an toàn cao. 

Bên cạnh đó, có những đoạn bãi biển rất hẹp, như khu vực Phước Hải (huyện Đất Đỏ), công trình condotel Lan Rừng cao hàng chục tầng đang được xây dựng sát tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu đã án ngữ. Ai đi qua đây cũng cảm thấy tức mắt, bởi phong cảnh hữu tình từ Đèo Nước Ngọt với một bên là biển xanh, một bên là rừng núi ngút ngàn, tự nhiên bị cắt ngang bởi một khối bê tông đồ sộ che khuất cả tầm nhìn lẫn lối xuống biển một cách… vô duyên.  

Nhu cầu có bãi tắm công cộng của người dân địa phương là rất lớn. Nhận thức rõ điều này, những năm qua UBND tỉnh và các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch hoặc đề xuất thu hồi một số dự án du lịch chậm triển khai để dành đất làm bãi tắm công cộng. Việc làm này đã đáp ứng mong mỏi của người dân và được người dân đồng tỉnh. Trong khi đó, condotel là loại hình bất động sản mới, đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế quản lý phù hợp về lâu dài, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch không gian đô thị ven biển, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch. Trong khi chờ cơ chế quản lý chung của Trung ương để áp dụng trong cả nước, thiết nghĩ, các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng cần tham mưu, đề xuất UBND có những cơ chế quản lý phù hợp, thận trọng khi quy hoạch và cấp phép xây dựng cho các dự án phát triển loại hình này, tránh đi vào “vết xe đổ” như một số tỉnh, thành kể trên đã và đang gặp phải, để tầm nhìn ra biển không bị che khuất. 

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.