Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Tại Quảng Ngãi - quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Nhiều nội dung tham luận mang tính thời sự nóng hổi, không chỉ xét riêng về ngôn ngữ học mà trên cả bình diện thời cuộc, văn hóa - xã hội.
Sinh thời, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Tiếng mẹ đẻ của ta rất đẹp, tiếng ta rất hay, phải luôn giữ gìn, nâng niu, bảo vệ nó” và nêu rõ 3 điểm cần chú ý: “Một là, giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta (tôi không muốn dùng chữ từ vựng); Hai là, nói và viết phải đúng phép tắc của tiếng ta (tôi không muốn dùng chữ ngữ pháp); Ba là, giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn - văn nghệ, chính trị, khoa học, kỹ thuật…”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phê bình, nhắc nhở: “Các nhà văn, nhà báo, những người đáng lẽ phải làm mẫu mực trong việc viết và nói tiếng ta thì lại chưa phát huy được đầy đủ tác dụng đó và trường học chưa chú trọng dạy tiếng ta như mong muốn”.
Đọc lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1948, càng thấy Người là một mẫu mực tuyệt vời về câu chữ, về cái đẹp lung linh của tiếng ta, giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Lời kêu gọi thi đua của Bác chỉ vẻn vẹn 441 từ, ngôn ngữ giản dị, súc tích, diễn đạt ngắn gọn, rành mạch, mỗi câu, mỗi từ trong lời kêu gọi rất dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, có sức hiệu triệu to lớn. Ví dụ một vài câu mà Bác đã viết trong lời kêu gọi: Thi đua ái quốc là “Phải làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”; “Thi đua ái quốc là toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm”…
Tháng 6-2018, giới báo chí kỷ niệm 93 năm (21-6-1925 – 21-6-2018) ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều năm trước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc nhở: “Nhà văn, nhà báo phải làm mẫu mực trong việc viết và nói tiếng ta”. Ngày nay, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng còn tùy tiện, dễ dãi, xem nhẹ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhiều tờ báo, nhiều nhà báo sính dùng chữ nước ngoài, từ Hán Việt. Do đặc trưng nghề nghiệp, vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của nhà văn, nhà báo trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là hết sức lớn.
Tháng 6 là thời gian kết thúc năm học cũ; tháng hành động bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6). Hơn lúc nào hết, nhà trường - thầy cô giáo, cộng đồng, gia đình, xã hội cần tổ chức nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, cộng đồng trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn Văn - tiếng Việt; học cái hay, cái đẹp của tiếng ta. Ngày xưa, các thế lực ngoại bang tìm cách “Hán hóa”, “Tây hóa”, giết chết chữ Nôm - tiếng mẹ đẻ của người Việt, mưu đồ đồng hóa dân tộc ta, nhưng cha ông ta quật cường, không chịu khuất phục và đã “Việt hóa” ngôn ngữ, bảo tồn, giữ gìn, phát triển bền vững tiếng Việt. Hà cớ gì ngày nay, chúng ta - dù không cố ý - lại xem nhẹ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta - điều mà Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các bậc cách mạng tiền bối đã nhiều lần nhắc nhở.
Gần đây, dư luận xã hội bất bình, thậm chí phẫn nộ việc một số người có trách nhiệm trong cơ quan quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực đưa ra những khái niệm, thuật ngữ, chữ nghĩa vốn đã trở nên quen thuộc, nay nghe thật lạ tai, như “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT”; “ngập nước” thành “tụ nước”; “chậm - hủy chuyến bay” thành “bay chưa đúng giờ”… Họ lập luận rằng: “sự thay đổi này làm giảm sự u ám”, “cho phù hợp với xu thế thế giới”, “cho đúng với quy định của pháp luật”… Song, có một nguyên tắc rất cơ bản của ngôn ngữ, cái gì đã thành thân thuộc, đã Việt hóa, đã theo sát tiếng ta thì cứ vậy mà gọi, có nên tạo ra sự xáo xào, đảo lộn không cần thiết hay không?
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đâu chỉ là trách nhiệm của ngành ngôn ngữ học. Đó là trách nhiệm của mọi người Việt Nam yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Ngành GD-ĐT, các cơ quan báo chí, văn nghệ, hội đoàn trên địa bàn tỉnh BR-VT, với chức năng và nhiệm vụ chuyên ngành, với những lợi thế vốn có, phải là lực lượng tiên phong làm gương, góp phần tích cực giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. BR-VT vào cuộc; từng địa phương, cơ quan, đơn vị vào cuộc; cả nước vào cuộc chung tay hành động, nhất định sự nghiệp giữ gìn, phát huy “cái đẹp”, “cái hay” của tiếng ta sẽ có chuyển biến tích cực và thành công.
TRIÊU DƯƠNG