Nhức nhối nạn đánh ghen!
Vụ đánh ghen tại huyện Cái Nước (Cà Mau) xảy ra đã hơn tuần lễ nhưng vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận bởi tính chất dã man, phi nhân tính của nó. Đoạn clip ghi lại hình ảnh đôi nam, nữ trong tình trạng khỏa thân bị một số đối tượng trói tay chân, đánh đập, nhục mạ trong một căn nhà. Không chỉ vậy, các đối tượng còn cắt tóc người phụ nữ, dùng chất bẩn bôi lên cơ thể nạn nhân. Nhận định đây là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cơ quan pháp luật ở Cà Mau đã triệu tập và tạm giữ hình sự các đối tượng tham gia vụ đánh ghen để tiếp tục điều tra làm rõ vai trò từng cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, có nhiều vụ đánh ghen gây rúng động dư luận mà người tổ chức phần lớn là các bà vợ. Lấy cớ người phụ nữ khác “mồi chài, quyến rũ” làm chồng mình sa ngã, không ít bà vợ đã huy động người thân, lên kế hoạch đánh ghen, chủ động quay clip rồi tung lên mạng xã hội. Máu ghen bốc lên đầu khiến họ mất hết lí trí, có những hành động ác độc, dã man: Lột phăng quần áo, cắt tóc, tra tấn, tạt a xít, xát ớt vào vùng kín “đối phương”. Sự ra tay hung hãn, thô bạo của những kẻ đi đánh ghen vượt ra khỏi ranh giới mà đạo đức xã hội cũng như là pháp luật cho phép. Vụ đánh ghen ở huyện Cái Nước là một ví dụ điển hình, khiến dư luận phải bức xúc thay vì cảm thông chia sẻ. Chẳng ai muốn bênh vực kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình người khác nhưng cũng không ai chấp nhận nhiều người cùng lao vào đánh dằn mặt “kẻ thứ 3”, quyết làm nhục đến cùng bằng những trận đòn thù dã man như thế.
Ghen - theo giải thích của nhiều chuyên gia tâm lý và pháp lý là những suy nghĩ, lời nói, hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ (hoặc chồng) mình. Vì thiếu bình tĩnh thiếu hiểu biết pháp luật, tự cho mình cái quyền xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác mà thời gian qua không ít người vợ hoặc chồng đã tổ chức những trận đánh ghen gây rúng động xã hội, hậu quả là gia đình tan nát, bản thân rơi vào con đường lao lý với các tội danh: Đe dọa giết người, làm nhục người khác, hành hạ người khác, cố ý gây thương tích, bức tử, giết người…
Nói về những trận đánh ghen gây bão mạng xã hội gần đây, nữ nhà văn Y Ban ý nhị: “Ai mà đánh ghen là ngốc nghếch! Đánh ghen làm mất đi rất nhiều thứ. Hả cơn giận thì đủ thứ hệ lụy kéo theo”. Dù với lý do nào, việc tổ chức đánh ghen là không thể chấp nhận. Khi phát hiện ra sự thật mình đang bị phản bội, người vợ hoặc chồng cần phải đối mặt với người bạn đời để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Cần biết rằng, người thực hiện việc đánh ghen có lời nói hoặc hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Đành rằng “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, thế nhưng nếu cho rằng đánh ghen là để giữ chân người bạn đời, gìn giữ hạnh phúc gia đình thì đó là sự lựa chọn thiếu sáng suốt, không chỉ đẩy hôn nhân đến vực thẳm, mà còn dẫn đến những hậu quả pháp lý khó lường, có khi vướng vòng lao lý do phạm tội làm nhục hoặc gây thương tích cho người khác.
Có nhiều cách để bảo vệ hạnh phúc gia đình thay cho giải pháp đánh ghen. Nếu có “đánh ghen” thì cũng phải thông minh, “lạt mềm buộc chặt” để “đối phương” biết lỗi rút lui, còn người bạn đời của mình thì vừa yêu vừa sợ, hiểu được giá trị và trân quý hạnh phúc gia đình. Tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn đời lạnh nhạt, xa lánh mình và tìm cách khắc phục, “giữ lửa” cho quan hệ vợ chồng, đó là cách giữ người bạn đời khôn ngoan nhất.
Để hạn chế, chấm dứt các vụ đánh ghen dã man, gây mất trật tự xã hội, cần áp dụng các mức phạt thỏa đáng với những hành vi đánh ghen. Các hội, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt giúp những người có “máu ghen” hiểu ra vấn đề để có những hành xử đúng mực, không để cái “máu” ấy biến thành tội ác.
NGUYỄN TRIỆU HẢI