.

Cải thiện chất lượng tăng trưởng

Cập nhật: 18:13, 28/05/2018 (GMT+7)

Quan tâm theo dõi các hoạt động của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, cử tri cả nước vui mừng trước những thành tựu tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế đất nước. 13 chỉ tiêu lớn được giao năm 2017 đều đạt và vượt, GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua, lạm phát được kiểm soát, xếp hạng kinh doanh tăng vượt bậc… Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng được ký kết, tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%.

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng và ấn tượng, song nền kinh tế nước ta vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu; tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào số lượng DN, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu nghiêng về chiều rộng hơn là chiều sâu, nghĩa là tỷ trọng tác động tới tăng trưởng của hai nhân tố vốn và lao động lớn hơn nhiều lần tác động của khoa học và công nghệ. Theo đó, lao động là yếu tố dồi dào nhất, cũng là một lợi thế phát triển quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, nhưng lại đang bị lãng phí rất lớn, khó đạt hiệu quả cao đối với chất lượng tăng trưởng. Nếu nền kinh tế tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào những lợi thế so sánh tĩnh (nguồn tài nguyên thô, nguồn lao động rẻ chưa có kỹ năng) thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng cao, bền vững trong dài hạn, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta diễn ra còn chậm và hiệu quả không cao. Việc sắp xếp lại cơ cấu các ngành  nghề và lĩnh vực chưa được triển khai đồng bộ ở các bộ, các ngành và các địa phương. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào một số ngành và sản phẩm truyền thống với công nghệ không cao như dệt may, thủy sản, nông sản chưa qua chế biến….

Giải trình trước Quốc hội, các đại biểu - bộ trưởng (Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính…) đều nêu lên những băn khoăn và bức xúc về 12 dự án còn tồn tại, về một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách và về chất lượng tăng trưởng hiện nay. So với năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 không tăng cao hơn mà chỉ ở mức từ 6,5-6,7%, cho thấy, Chính phủ đã không còn đặt quá nặng mục tiêu tăng trưởng về số lượng mà thay vào đó là chất lượng tăng trưởng và bảo đảm phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

 Nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô phải linh hoạt và có hiệu quả, nhất là đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và thương mại; bảo đảm kiểm soát lạm phát và những cân đối lớn về tiết kiệm, tiêu dùng, cán cân thanh toán…. Chủ động thực hiện các giải pháp cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tích cực chuyển đổi mô hình và cơ cấu kinh tế ngành, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, có tỷ trọng giá trị tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển công tác nghiên cứu, tạo ra những giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

HOÀNG  LÊ

.
.
.