Uống rượu ở bản Ten
Bản Ten cách trung tâm TP.Điện Biên không xa. Hôm ấy, đoàn du khách chúng tôi được đưa đến đây ăn tối và giao lưu văn hóa tại một nhà hàng làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái.
Chúng tôi có 40 người, ngồi trên những cái ghế thấp đặt xung quanh 7 cái bàn mây đã bày sẵn thức ăn, mỗi bàn do một cô gái Thái “phụ trách”. Cô gái ngồi ở bàn tôi là tổ trưởng, tên Lò Thị Hiên. Các cô mặc trang phục của phụ nữ Thái, dáng cao, thanh tú, cả 7 cô đều búi tóc cao trên đỉnh đầu - dấu hiệu của người con gái đã có chồng.
Món ăn không nhiều, nhưng như Lò Thị Hiên cho biết, đều là món có nguồn gốc thực phẩm, gia vị hay cách chế biến của người địa phương. Như thịt trâu nướng, thịt heo rừng, xôi cẩm, măng tre, cá suối nướng tẩm hạt tiêu rừng, gân trâu nấu lá giang… Miệng chai rượu cắm đoạn ống nứa dài hơn nửa gang tay, kín một đầu, trên thân khoét 2 lỗ nhỏ ở hai chiều đối nhau, một lỗ để rót rượu ra ly, lỗ kia thông hơi. Cái chai quả là đã mang nét biến tấu của núi rừng, làm cho cánh tay người rót rượu dài thêm, “bao quát” dễ dàng toàn bộ bàn tiệc, và rượu khi nào cũng là một sợi nước mềm, tròn đầy, trong vắt rót thẳng xuống lòng chiếc ly.
Nhiệm vụ của các cô gái không phức tạp; gồm uống rượu giao lưu, tiếp thức ăn, và xen kẽ giữa các tuor rượu là hát những bài hát dân tộc, các bài tân nhạc mang âm hưởng miền núi hoăc nội dung liên quan đến vùng núi Tây Bắc. Sau tiệc rượu, họ lên sân khấu (thực chất cũng là sàn nhà) múa một điệu múa dân tộc Thái, sau chót là mời khách cùng múa xòe và múa nhảy sạp bài “sòn sòn sòn dô sòn…” nổi tiếng.
Tôi kể hơi chi tiết như vậy để nói rằng, cái làm nên kỷ niệm đáng nhớ nhất cho chúng tôi trong chuyến đi bản Ten so với những nơi khác là không khí sinh hoạt văn hóa dân tộc sống động, khác lạ, thú vị trong buổi giao lưu này. Các vị khách đều ra sức chụp ảnh, quay clip bằng điện thoại cá nhân, rồi chia sẻ với người thân.
Cách đây bảy năm, trong một lần đến Điện Biên, tôi cũng đã lần đầu tiên được tham gia một sinh hoạt tương tự thế này. Hơn thế nữa, vì khi ấy còn đang mùa hoa ban nở, các cô gái Thái chủ nhà còn làm đãi khách một món ăn chế biến bằng hoa ban.
Ai cũng biết, các cô không phải diễn viên chuyên nghiệp, chỉ là nông dân hàng ngày đi làm nương, tối nào có khách du lịch mới đi biểu diễn phục vụ. Trang phục của họ là trang phục dân tộc, được dùng trong đời sống (như phụ nữ người Kinh dùng áo dài) chứ không phải trang phục dùng riêng cho sân khấu. Họ hát không hay, múa không hẳn đã mềm mại. Trước hôm lên Điện Biên, chúng tôi cũng xem một phiên bản “chợ tình” của người Mông ở quảng trường trước sân Nhà Thờ Đá tại thị trấn Sa Pa tỉnh Lào Cai. Các chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc xòe ô và nhảy những bước chân để tỏ tình khá điệu nghệ, nhưng họ chỉ làm điệu bộ của người thổi khèn, chứ tiếng khèn thực sự không cất lên.
Ở bản Ten, và ở sân chợ tình Sa Pa, thực khách và người xem phải trả tiền. Ví như ở chợ tình Sa Pa, càng nhiều người bỏ tiền vào cái thùng bày trước mặt, các đôi “tình nhân” kia càng hăng hái biểu diễn. Nghĩa là ở bản Ten hay chợ tình Sa Pa, người trình diễn các sinh hoạt văn hóa bản địa cho khách du lịch xem đều nhằm mục đích thu tiền.
Dư luận lúc nào cũng có hai chiều ý kiến, một bên đồng ý, một bên phản đối việc đem các di sản văn hóa vào kinh doanh du lịch. Mới đây, người ta phê phán việc thu tiền khách vào tham quan phố cổ Hội An. Nhưng nếu không thu tiền, thì lấy đâu kinh phí để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong khi ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng? Thật ra, những người như các cô gái Thái ở bản Ten, các đôi nam nữ người Mông ở chợ tình Sa Pa đã có công làm sống lại các di sản văn hóa của dân tộc mình và góp phần làm ra một sản phẩm du lịch bản địa. Nếu không được kinh doanh, liệu việc bảo tồn di sản có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của họ, có cho họ hưởng lợi ích thiết thực gì? Không có hoạt động kinh doanh của họ, du khách sẽ khó có dịp tiếp xúc để hiểu biết ít nhiều về nền văn hóa của các dân tộc anh em, của các vùng miền, và do đó, đi du lịch đến chỗ nào cũng chỉ thấy giống nhau, không có gì để lại những cảm xúc mới mẻ.
Nói rộng ra, nơi nào cũng có những di sản vật thể và phi vật thể có thể phục vụ kinh doanh du lịch. Tỉnh BR-VT cũng thế. Vấn đề là biết giữ gìn, phát huy, làm mới các giá trị của chúng và đưa chúng vào kinh doanh du lịch càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.
HẢI THANH