.

Loay hoay ngày hè?

Cập nhật: 17:04, 24/05/2018 (GMT+7)

Đúng dịp kết thúc năm học mới, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) có một sự cố đáng tiếc, do chính mình gây ra. Bộ này vừa công bố việc phê duyệt Đề án chi 750 tỷ đồng để đổi mới thi, tuyển sinh giai đoạn 2018-2020.  Nhưng ngay sau khi Đề án vừa được công bố, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo khẩn thu hồi ngay lập tức Đề án này, do bộ phận soạn thảo đề án “vội vã”, “non kém  trình độ”,  không đi vào cái cơ bản nhất, thực chất nhất của nội dung cải cách GD-ĐT căn bản và toàn diện, trong đó có vấn đề cải cách phương pháp đánh giá năng lực học của học sinh (HS). Đề án chỉ loay hoay vụ thi cử, khoản tiền chi ra quá lớn, lại chủ yếu dành  chi  cho các khâu gián tiếp, nên bị dư luận chỉ trích.

Những năm qua, đúng là ngành GD-ĐT, như dư luận nhận xét “cứ loay hoay” hết chuyện nọ đến chuyện kia, “loay hoay” cả việc tổ chức những ngày nghỉ hè cho HS các cấp học như thế nào cho tốt, ý nghĩa và hiệu quả? Một nhóm chuyên gia GD-ĐT đã có lần cho khảo sát và nêu Đề án “Thư giãn ngày hè” cho thầy cô giáo và HS các cấp học. Đề án vừa tạm phác thảo đã vấp phải sự không đồng tình của dư luận. Và rốt cuộc, Đề án tạm gọi là “Thư giãn ngày hè” cho đến nay vẫn “loay hoay” trên giấy.

Thời điểm này, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 đang đến rất gần. Tháng 6 hằng năm được coi là tháng Thiếu nhi, tháng hành động chăm sóc  thiếu niên & nhi đồng. Đây cũng là thời điểm HS các cấp học bậc mầm non và phổ thông tổng kết năm học 2017 - 2018. Và sau đó sẽ là những ngày thầy cô giáo và HS nghỉ hè - khi ve sầu kêu, hoa phượng nở đỏ sân trường. Học trò các cấp nghỉ hè và kỳ nghỉ hè năm 2018 sẽ được tổ chức như thế nào,  đúng với ý nghĩa của nó?  Trách nhiệm của nhà trường, các thầy cô, tổ chức đoàn - đội,  các bậc cha mẹ trong việc  tổ chức hoạt động hè cho các em như thế nào cho thật ý nghĩa, đúng với yêu  cầu “Thư giãn ngày hè” của các em?

Thực tế cho thấy, ngày nay nghỉ hè đâu còn được nghỉ ngơi, thư giãn như nó vốn có. Đối với các bậc cha mẹ, nghỉ hè là thời điểm con em mình được nhà trường “thả lỏng”, nhà trường không quản lý; HS mầm non và bậc TH, THCS chẳng biết gửi vào đâu, để cha mẹ còn đến công sở, vào xưởng máy, ra đồng ruộng? Không ít  bậc cha mẹ cực chẳng đã đành “nhốt” con em  vào các lớp  học thêm, dạy thêm - biến ngày hè vốn rất cần thư giãn cho con em thành những ngày tiếp tục nhồi nhét kiến thức văn, toán, ngoại ngữ  - trái hẳn với phương pháp sư phạm khoa học; biến ngày hè thành học kỳ 3. Có người đặt câu hỏi, tại sao các bậc cha mẹ lại đi làm cái việc phản khoa học, trái với phương pháp giáo dục sư phạm như vậy? Các bậc cha mẹ đành trả lời: “Xin thưa, chúng tôi hết đường, không làm như vậy thì biết gửi con em cho ai quản để yên tâm đi làm?”. Hòa cả làng!

Cần thấy rằng, nội dung GD-ĐT ở Việt Nam hiện nay rất nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành, không quan tâm đến học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống. Vậy trong những ngày hè, tại sao các nhà trường,  đoàn, đội - tổ chức xã hội nghề nghiệp không  huy động nguồn lực xã hội hóa, tổ chức cho con em các hoạt động ngoại khóa, về nguồn, học bơi lội, học các môn thể thao trí tuệ, học đàn, nhạc, họa, các lớp học và hành nữ công gia chánh, kỹ năng sống. Có không ít bậc cha mẹ có điều kiện sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn hoặc vừa phải để con em của họ tham gia nhiều chương trình học… ngoài trời, ngoại khóa lịch sử,  địa lý, giáo dục công dân, rèn kỹ năng sống bổ ích.

Thật ra những năm qua trong xã hội đã hình thành một số hoạt động dịch vụ “Thư giãn ngày hè” kiểu này. Đó là các lớp “Học kỳ Quân đội”, “Thiếu sinh quân”,  “Trại hè miệt vườn”, “Trại hè Thành Cổ”, “Trại hè Mường Thanh - Điện Biên Phủ”, “Trại hè núi Phú Sỹ”,  “Trại hè Đảo Quốc”, “Trại hè Pattaya”… Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi dịp hè về, có hàng ngàn con em các bậc  TH, THCS, THPT đã tham gia các hình thức “Thư giãn hè” như vừa nêu, tùy theo khả năng và điều kiện từng gia đình. Vấn đề đặt ra là, các hoạt động “Thư giãn hè”  đang diễn ra một cách tự phát, mạnh ai nấy làm, theo hướng dịch vụ cả gói. Nội dung chương trình, nội dung ngoại khóa thì tùy nghi, không có ai  quản lý.

Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai! Chương trình “Thư giãn hè” ra sao? Tổ chức kỳ nghỉ hè cho các em như thế nào? Xin ngành GD-ĐT, tổ chức đoàn đội, các ngành liên quan phải thật sự vào cuộc. Cấp quốc gia chưa thể làm thì cấp tỉnh, thành phố; cấp quận huyện năng động, sáng tạo  cần vào cuộc.  Cần lắm một nhạc trưởng, đã đến lúc  không thả nổi, không còn  “Loay hoay”?

HẢI VÂN

 

.
.
.