Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp
Với tiềm năng to lớn của thiên nhiên cùng nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp (DLSTNN) là một xu thế tất yếu và là cơ hội mở ra nhiều triển vọng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Trên cơ sở dựa vào các giá trị ruộng đồng và thắng cảnh thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng người dân bản địa, DLSTNN đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và mong muốn được trải nghiệm thực tế của du khách.
Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, DLST gắn với nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Tại hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” do Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), UBND tỉnh Quảng Nam, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng: Dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng, miền, góp phần đưa DLSTNN phát triển đột phá, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nhiều năm gần đây, sản phẩm DLSTNN là một trong những điểm nhấn thu hút du khách và góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của ngành du lịch tại nhiều địa phương. Trên địa bàn tỉnh BR-VT, các khu DLST và DLSTNN đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Du khách chọn tour trải nghiệm và gần gũi với thiên nhiên thường tìm về các KDL: Bưng Bạc, Tứ Phương Thất Đảo (xã Long Phước, TP.Bà Rịa), Du Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), Ngọc Xương (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền)… Tại TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu tham quan, trải nghiệm ở các khu nông trại, nhà vườn của khách du lịch tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Việc tham gia hướng dẫn trực tiếp của nông dân trong các hoạt động DLSTNN đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch này.
Tuy vậy, một trong những thách thức lớn của việc phát triển DLSTNN là hoạt động DLSTNN còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, trong khi công tác quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bên cạnh các mặt tích cực, nhiều sản phẩm DLSTNN hiện nay chưa đạt yêu cầu. Tại nhiều khu DLST và DLSTNN, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ tại nhiều khu DLSTNN chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Nguy hại hơn, tại nhiều nơi còn xảy ra tình trạng chặt phá cây tự nhiên, thay đổi cảnh quan, phá bỏ hệ sinh thái tự nhiên để xây dựng hệ sinh thái nhân tạo. Tình trạng đem thịt thú rừng, chim trời ra làm “sản phẩm du lịch sinh thái” để đãi “thực khách sinh thái” còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cơ sở DLSTNN.
Làm sao để phát triển DLSTNN một cách bền vững? Đây là một bài toán khó, nhưng không phải thiếu cách giải, nếu ý thức và trách nhiệm của du khách, của người kinh doanh, cộng đồng địa phương và của cả các cơ quan quản lý đều được nêu cao. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp, các ngành nhằm phát huy những lợi thế và đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp. Trong đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về bảo tồn và phát huy giá trị của các tài sản thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển DLSTNN với cộng đồng làng nghề để tạo nên các sản phẩm du lịch khác biệt. Đồng thời, phối hợp triển khai xây dựng chương trình chung về phát triển DLSTNN gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong mô hình phát triển DLSTNN (nông dân, DN lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch…).
HOÀNG LÊ