.

Mở cửa trường

Cập nhật: 20:57, 23/05/2018 (GMT+7)

Mùa hè mà nói chuyện “mở cửa trường” thì lạ quá! Nhưng đó lại là một câu chuyện hay, đang được học sinh nhiều nhà trường đưa vào nhóm tin “hot” của cộng đồng mạng xã hội facebook mấy hôm nay.

Câu chuyện bắt đầu từ một công văn của Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh gửi các Phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố, các nhà trường THPT khuyến khích các nhà trường “mở cửa trường” trong kỳ nghỉ hè. Lãnh đạo ngành GD-ĐT phân tích, kỳ nghỉ hè hằng năm là quãng thời gian quý báu giúp học sinh tham gia các hoạt động văn thể mỹ, các trải nghiệm thực tiễn, tham gia các hoạt động xã hội, tham gia các CLB văn học nghệ thuật, CLB ngoại ngữ, CLB khoa học kỹ thuật... Với quan điểm đó, trên tinh thần học sinh được nghỉ ngơi và có cơ hội vui chơi, rèn luyện, lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh yêu cầu các nhà trường “có kế hoạch mở cửa trường, mở cửa thư viện và các cơ sở vật chất khác để hỗ trợ học sinh đọc sách, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, tham gia các sinh hoạt CLB đội, nhóm, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống”.

Một du học sinh Nhật Bản là cựu học sinh trường THPT Vũng Tàu nhớ lại: “Mùa hè năm lớp 10, em tham gia lớp học bơi của trường với các bạn cùng khối và tiếp tục rèn luyện môn bơi trong cả năm học lớp 11. Sau đó, em dự thi và đạt giải Ba môn Bơi lội cấp thành phố. Tấm huy chương này đã mang đến một giá trị nhất định trong bộ hồ sơ phỏng vấn du học mà em vinh dự được Chính phủ Nhật trao học bổng toàn phần trong suốt 4 năm học tại một trường đại học dành cho sinh viên khu vực châu Á –Thái Bình Dương”. Cô sinh viên này sau khi tốt nghiệp Đại học tiếp tục dự tuyển vào một tập đoàn sản xuất giày, thời trang thể thao của Nhật cũng đã “gặp may” khi giải mã thành công yêu cầu của bộ phận tuyển dụng “hãy thực hiện một show quảng bá sản phẩm của hãng”. Cô gái trẻ hào hứng kể: “Đó là một show diễn có một không hai khi cả nhóm nhân viên mới tuyển dụng của chúng em chơi một trận đấu bóng chuyền khá hấp dẫn trong bộ trang phục và giày thể thao của hãng. Em còn nhớ, cả một mùa hè năm 11 và những chiều muộn của năm học lớp 12, lớp A11 của em cũng trải qua những giờ tập luyện môn bóng chuyền khá vất vả và thi đấu rất sôi động dưới sự hướng dẫn của thầy Sáng, thầy Lịch dạy thể dục nhiệt tình và vui tính của trường. Nghiệm lại, em thấy tất cả những gì em được rèn dạy ở Trường THPT Vũng Tàu không chỉ là kiến thức trong giờ học văn hóa; mà còn có cả sự phát triển năng khiếu, kỹ năng sống, khả năng ứng phó và tiếp cận cuộc sống một cách tự tin từ những buổi sinh hoạt bổ ích từ nhà trường trong những ngày hè tươi vui”.

Không chỉ có Trường THPT Vũng Tàu và mô hình CLB Thể thao đem lại màu sắc tươi tắn cho ký ức tuổi thơ của học sinh với sự phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất trong những mùa hè sôi động; mà đã có rất nhiều nhà trường, với cách tổ chức khoa học, trách nhiệm, chuyên nghiệp đã tạo cơ hội cho HS phát triển toàn diện. Những năm gần đây, thư viện, phòng học nhạc, hồ bơi, sân bóng chuyền, sân bóng đá mi ni, sân cầu lông, hệ thống các nhà thi đấu đa năng… đã được tỉnh BR-VT đầu tư khá hiện đại ở nhiều trường. Đội ngũ các thầy cô giáo dạy các môn văn thể mỹ cũng đã được đào tạo bài bản và bổ sung hàng năm cho các nhà trường. Lực lượng Tổng phụ trách Đội, Trợ lý Thanh niên, cán bộ Đoàn trường học cũng liên tục được bố trí, củng cố nâng cao khả năng hoạt động để hỗ trợ nhà trường trong công tác tập hợp học sinh, sinh viên và tăng cường mảng công tác hoạt động ngoài giờ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Thiết nghĩ, đó là những cơ sở nền tảng về vật chất và con người đủ mạnh để các nhà trường thực thi chỉ đạo “mở cửa trường” của lãnh đạo ngành GD-ĐT trong mùa hè này.

Tuy nhiên, sẽ là lý thuyết nếu chúng ta không soi xét đến khía cạnh tổ chức hoạt động ngoài giờ, đội nhóm, CLB năng khiếu sao cho phù hợp với tình hình thực tế của trường và nhu cầu riêng biệt của học sinh từng trường, từng địa phương. Càng không thể bỏ qua việc quản lý việc tổ chức lớp, nhóm và thu chi các khoản bồi dưỡng giáo viên, sân bãi, ánh sáng, bảo vệ… sao cho khoa học và minh bạch khi hoạt động văn thể mỹ này diễn ra trong thời gian trường nghỉ hè, giáo viên theo quy định cũng được nghỉ ngơi sau 9 tháng dạy học vất vả. Kết quả của việc thực hiện chủ trương “mở cửa trường” tùy thuộc vào sự nhiệt tình, trách nhiệm và khéo léo trong tổ chức, quản lý của Ban giám hiệu các nhà trường, sự ủng hộ tích cực của phụ huynh. Và, ở góc độ xã hội, tác động của chủ trương “mở cửa trường” sẽ không chỉ dừng lại ở việc có bao nhiêu em học sinh được vui hè, được rèn kỹ năng sống hôm nay; mà nó sẽ còn đọng lại ở những câu chuyện dễ thương, những kỷ niệm đẹp về trường lớp, về tình thầy trò luôn được khắc ghi trong tim những-đứa-trẻ-trưởng-thành của ngày mai.

ĐỖ HOÀNG

.
.
.