.

Băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời

Cập nhật: 18:22, 22/05/2018 (GMT+7)

Chị bạn vừa gọi điện thoại nhờ tư vấn giúp việc chọn trường cho con gái. Tôi ngạc nhiên vì năm học tới cháu mới vào lớp 12, tư vấn bây giờ có quá sớm không, chị nói cần định hướng cho cháu sớm để ngay từ bây giờ cháu có sự chủ động trong việc học. Số là anh chị đều công tác trong ngành truyền thông, con gái lại có khiếu ngoại ngữ và văn học nhưng hiện giờ cháu đang đứng giữa ngã ba đường không biết nên chọn học ngoại ngữ hay báo chí.

 Chị muốn tham khảo ý kiến của tôi xem có nên hướng cho con gái theo nghề báo. Còn ngoại ngữ thì anh chị rất ưng “nhưng ngặt nỗi con bé vẫn thích học báo chí hơn”. Chị cho hay, ở trường con gái chị thường xuyên tham gia công tác truyền thông của nhà trường, nhờ có giọng đọc khá tốt, bản tính lại dạn dĩ, tự tin nên thầy cô thường giao cho cháu nhiệm vụ đọc phát thanh thông tin nội bộ của trường. Cháu rất ham thích việc này nên ước mơ sau này sẽ được làm phát thanh viên của một đài truyền hình. Và đó chính là lý do cháu muốn học ngành báo chí phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, mẹ cháu lại lo lắng, không biết học xong cháu có được vào Đài truyền hình và được bố trí công việc phù hợp với đam mê của mình hay không? Nếu không thỏa mãn được đam mê thì liệu cháu có đủ nghị lực để bắt đầu bằng một nghề khác? Nỗi lo đó khiến mẹ cháu không muốn con mình chọn một nghề có sự sàn lọc cao như vậy.

Đã từng trải qua cảm giác lo lắng, băn khoăn khi con cái bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nên tôi rất thông cảm và chia sẻ với nỗi lòng của bạn. Bởi, chọn nghề cần phải căn cứ trên nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa vào mỗi sở thích của học sinh. Trong trường hợp này, ưu điểm của cháu là cháu đã xác định được năng lực học tập cũng như điểm mạnh của bản thân. Đồng thời, cháu cũng biết  điều kiện thuận lợi của gia đình là có truyền thống trong ngành truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là cháu cần xác định được nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Nghề phát thanh viên mà cháu đang mơ ước trong vài năm tới liệu cánh cửa có còn rộng mở hay không. Chưa kể, đây là một nghề có tính sàn lọc rất cao, đòi hỏi phải có năng khiếu và ngoại hình. Tóm lại, gia đình cần định hướng cho cháu xác định rõ các yếu tố như: năng lực của bản thân, điều kiện gia đình, đặc thù nghề nghiệp mà mình muốn hướng đến... Và điều quan trọng hơn hết là cháu cần phân biệt giữa thật sự yêu thích và những ý muốn mang tính nhất thời do yếu tố tác động nào đó…, nhằm tránh trường hợp học được vài năm mới vỡ ra là mình không thể hòa nhập với nghề.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang cận kề. Thời điểm này, không chỉ học sinh, mà các bậc phụ đang ráo riết chọn ngành học, trường học cho con em mình. Dù đã hoàn tất hồ sơ và ghi rõ nguyện vọng của mình, nhưng đến giờ phút cuối khi có kết quả thi tuyển các em phải tự mình đưa ra quyết định cuối cùng là chọn ngành nghề nào trong số các nguyện vọng đã ghi. Ngoài bản thân các em, phụ huynh là người hiểu rõ về học lực và năng khiếu của con em mình. Vì vậy, cha mẹ phải là người giúp con định hướng nghề nghiệp một cách sáng suốt và càng sớm càng tốt. Bởi niềm đam mê phải được nuôi dưỡng và định hướng ngay từ bé. Đặc biệt là cha mẹ cần tìm hiểu về thị trường lao động, nhu cầu cũng như xu hướng, khả năng phát triển của các ngành nghề trong tương lai để giúp con đưa ra lựa chọn phù hợp. Bởi trên thực tế, có những nghề nghiệp ở thời điểm hiện tại đang “hot” nhưng sẽ bão hòa trong thời gian tới. Cha mẹ cũng là người hiểu rõ điều kiện của gia đình nên  cần định hướng cho con vào các trường có thời gian, kinh phí học tập phù hợp với khả năng của gia đình. Không nên cố đưa con vào những trường “hot” để rồi đặt lên vai con những thách thức nặng nề, trong đó có cả việc xoay xở cho đời sống sinh viên. Cơ hội nghề nghiệp không chỉ có ở bậc đại học, vì vậy cũng không nhất thiết phải vào đại học khi khả năng và điều kiện gia đình không thể đáp ứng. Cho nên, trước ngưỡng cửa cuộc đời học sinh cần có quan niệm đúng đắn về giá trị nghề nghiệp. Nghề nào cũng đáng trân trọng khi nó nuôi sống bản thân và thỏa mãn đam mê của mình.

LAM PHƯƠNG

 

.
.
.