.

Mùa hè và nỗi lo cũ

Cập nhật: 19:27, 21/05/2018 (GMT+7)

Chỉ còn 1 tuần nữa là năm học 2017-2018 chính thức khép lại. Thời điểm này, hầu hết các trường học đã tiến hành xong việc tổng kết năm học, họp phụ huynh. 

Trong khi các em học sinh hân hoan khi chuẩn bị được tạm xa rời sách vở, đón kỳ nghỉ hè với những hoạt động vui chơi thỏa thích thì phụ huynh lại bắt đầu lo lắng với đủ thứ việc. Người thì chạy đôn chạy đáo dò hỏi thầy/cô nào dạy giỏi, dạy hay để gửi con học thêm trong những ngày hè để trẻ không bị hổng kiến thức; người thì lo đặt vé, thu xếp công việc đưa con về thăm ông bà ở quê và gửi lại ít ngày để yên tâm làm việc; người thì lo nhờ vả, gửi gắm xin cho con vào trường điểm để con có điều kiện học hành tốt hơn. Người thì mong sao kiếm được chỗ nhận dạy kèm con theo mô hình bán trú như khi còn học chính khóa để đỡ việc đưa đón, chăm sóc trong những ngày hè. 

Các chuyên gia giáo dục thường khuyên phụ huynh vào kỳ nghỉ hè nên cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện kỹ năng sống, học và chơi các môn trẻ yêu thích như học vẽ, học nhạc, bơi lội, bóng đá, bóng rổ, học võ… Lời khuyên này hoàn toàn đúng, nhưng nỗi lo của các phụ huynh cũng không phải không có cơ sở. 

Với đa phần gia đình trẻ sinh sống ở đô thị, nhu cầu gửi con trong những ngày hè là bức thiết, bởi không có sự trợ giúp của ông bà nội, ngoại. Các lớp năng khiếu, thể dục thể thao thì mở có giới hạn về số lượng và thường quá tải học sinh. Trong khi các lớp học này cũng quy định giờ học, thường là chỉ 90 phút (tương đương 2 tiết học). Vì vậy, dù có cho trẻ đi học các lớp này thì phụ huynh cũng vẫn phải lo đưa đón con em mình. Hơn nữa, không phải lớp học nào, cơ sở đào tạo nào cũng bảo đảm chất lượng như mong muốn của phụ huynh. Những gia đình có điều kiện khó khăn hoặc không bố trí được thời gian đưa, đón trẻ đi học thêm thì chọn giải pháp để trẻ ở nhà làm bạn với ti vi và các thiết bị điện tử. Đây là việc cực chẳng đã, bởi trẻ ở nhà một mình phải đối diện nhiều nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn thương tích, bị đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê vào các tệ nạn xã hội hoặc lạm dụng thân thể. Đặc biệt, trẻ em ở vùng nông thôn, khu vực nhiều ao hồ, sông suối thì nguy cơ đuối nước rất cao. 

Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu gửi con mùa hè của phụ huynh, các cơ sở giáo dục, đào tạo ra đời ngày càng nhiều với đủ loại hình, từ dạy năng khiếu đến các môn văn hóa, dạy trước chương trình. Một số giáo viên cũng tranh thủ mở lớp dạy thêm, vừa để cải thiện thu nhập, vừa giúp phụ huynh an tâm gửi con khi đi làm. Tâm lý chung của phụ huynh là muốn cho con được chơi, tự do học các môn năng khiếu trong những ngày hè nhưng lại sợ con hư hỏng, chểnh mảng việc học hành, không theo kịp các bạn đồng trang lứa khi vào học chính khóa. Vì vậy, để an toàn, đa phần phụ huynh chọn phương án bắt trẻ đi học thêm. Dĩ nhiên, phần thiệt thòi luôn đứng về phía các em khi các em không được hưởng một mùa hè đúng nghĩa, đầy đủ. 

Tại BR-VT, những năm qua, chính quyền, đoàn thể, Đoàn thanh niên các cấp, các nhà trường đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động hè cho học sinh như: Tháng hành động vì trẻ em; Trại hè thiếu nhi; Hội thi kể chuyện sách hè; Hội thi văn nghệ hè; phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em… Đây là những hoạt động thiết thực, bổ ích. Tuy nhiên, một số hoạt động còn mang tính phong trào, bề nổi, phạm vi tổ chức hẹp nên số lượng trẻ được tham gia hoặc thụ hưởng chưa nhiều. 

Với sự năng động vốn có của tuổi trẻ, Đoàn thanh niên có vai trò nòng cốt trong việc phối hợp tổ chức các sân chơi hè bổ ích, lành mạnh, vui tươi, an toàn cho trẻ em. Ở những vùng khó khăn, Đoàn thanh niên càng phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để tổ chức sân chơi hè miễn phí cho trẻ em; tổ chức cho HS ôn luyện kiến thức cũ, làm quen kiến thức mới, chơi mà học… Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương và đặc biệt là có thể phục vụ được nhiều trẻ em nhằm mang lại cho các em một mùa hè vui tươi, bổ ích. 

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.