Cảnh giác không thừa!
Khoảng 3 tuần trở lại đây, trên địa bàn các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức xuất hiện thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu với giá khoảng 40.000 đồng - 50.000đồng/kg. Điều đáng nói là rễ cây tiêu chết họ cũng mua. Vì vậy, khi nghe thông tin có thương lái thu mua rễ hồ tiêu, một số người dân đã về vườn nhà đào gốc lấy rễ tiêu chết do bệnh “chết nhanh, chết chậm” đem bán. Cơ quan chức năng lo ngại rằng, do giá hạt tiêu hiện đang ở mức thấp, chưa đến 60.000 đồng/kg lại thêm bán rễ tiêu chết cũng được tiền nên thay vì đốt bỏ như trước, không loại trừ khả năng bà con có thể đào rễ tiêu sống để bán.
Cùng thời gian, tại Đồng Nai và nhiều tỉnh ở Tây Nguyên cũng xuất hiện nhiều thương lái tỏa sâu vào các vùng chuyên canh hồ tiêu lùng mua rễ hồ tiêu, dấy lên “cơn sốt” đào rễ hồ tiêu để bán cho đội quân này. Việc thu mua rễ hồ tiêu một cách khó hiểu - thậm chí có dấu hiệu bất thường của các thương lái đã khiến cho nhiều người không thể không đặt câu hỏi mua rễ tiêu để làm gì. Tuy nhiên, những người này chỉ trả lời mơ hồ rằng mua để cung cấp cho thương lái Trung Quốc về… làm thuốc (?!)
Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đã có văn bản đến các huyện, thành phố đề nghị các địa phương vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu phát hiện có cá nhân, đơn vị mua gốc, rễ tiêu cần báo ngay cho chính quyền địa phương để theo dõi, làm rõ mục đích thu mua để có biện pháp ngăn chặn. Cơ quan chức năng cũng cảnh báo việc thu mua rễ tiêu có mục đích không rõ ràng, nhiều dấu hiệu bất thường, có nguy cơ dẫn đến trình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ tiêu, hoặc đào trộm rễ tiêu; gây thiệt hại đến tình hình phát triển kinh tế, an ninh trật tự trên địa bàn. Đối với cây hồ tiêu già cỗi, bệnh nặng, chết cần hướng dẫn nông dân tự xử lý bằng cách thu gom, tập trung đem đốt để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Đây không phải là lần đầu tiên, thương lái trong nước và thương lái nước ngoài - trong đó phần lớn là thương lái Trung Quốc có những kiểu mua hàng nông sản khó hiểu như thế. Thống kê của một chuyên gia nông nghiệp cho thấy hơn 20 năm nay, danh sách những thứ “lạ đời, độc và lạ” mà thương lái tìm mua ngày càng được nối dài. Từ ốc bươu vàng, gỗ sưa đến dứa, dừa non; từ phân trâu, đuôi trâu đến móng trâu, móng bò; từ rễ sim đến hoa ngâu, hoa thanh long, cau non, cam non, lá cây phong ba; từ hạt chè, xơ dừa đến lá điều khô, lá mãng cầu xiêm, rễ tiêu…
Không ai biết thương lái mua những thứ lạ đời đó để làm gì, chỉ biết rằng việc mua loại hàng này chưa kịp hạ nhiệt thì họ lại chuyển qua mua loại hàng khác. Điều đáng nói là trước những kiểu mua hàng lạ lùng này, cơ quan chức năng thường trở bộ rất chậm, đến khi “giật mình nhìn lại” thì thương lái đã bặt tăm, “một đi không trở lại”.
“Kịch bản” quen thuộc của những thương lái trong nước và Trung Quốc là đặt mua với số lượng lớn, trả giá cao để tạo niềm tin, sau đột ngột ngừng mua khiến những mặt hàng đó dư thừa, không thể tiêu thụ, bị rớt giá thảm hại. Những chiêu trò đó không chỉ khiến cho người nông dân bị lỗ nặng (do đua nhau nuôi trồng nông sản rồi không biết bán cho ai), cuộc sống bị xáo trộn mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế nông nghiệp. Đó là, phá vỡ quy hoạch sản xuất, thị trường sản phẩm chính phẩm bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến xuất khẩu; Mặt khác, môi trường sinh thái bị phá vỡ, quá trình sinh trưởng của cây trồng, sức kéo bị suy giảm; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất chăn nuôi, đặc biệt thương hiệu, giá trị của nông sản Việt bị phá hoại.
Việc thương lái trong nước và Trung Quốc liên tục thực hiện những phi vụ thu mua nông sản “lạ đời” chắc chắn không phải với mục đích tốt. Vì vậy, phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác với kiểu thu mua hàng “không giống ai” của các thương lái. Đừng vì cái lợi trước mắt mà rơi vào bẫy tinh vi của các thương lái, hậu quả sẽ rất khó lường.
NGUYỄN TRIỆU HẢI