.

Hồ Chí Minh con người huyền thoại

Cập nhật: 17:46, 18/05/2018 (GMT+7)

Thế giới bàn nhiều, viết nhiều về Hồ Chí Minh và đều phải thừa nhận Người là huyền thoại. Tiến sĩ M.Amét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất kính phục Người, và khẳng định rằng “Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành huyền thoại ngay khi còn sống.

Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Có người hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh của các Ngài là ai, là con người hay vị thánh? Thủ tướng nói: Hồ Chí Minh của chúng tôi trước hết là một con người và cuối cùng cũng là một con người. Còn vĩ đại như đức Chúa, đức Phật, thánh thần thì các Ngài đã thừa nhận lâu rồi. Hồ Chí Minh là người dân tộc hay cộng sản? Thủ tướng trả lời, rằng: Hồ Chí Minh của chúng tôi yêu nước 100% thì cũng cộng sản 100%. Càng yêu nước bao nhiêu  thì càng cộng sản bấy nhiêu. Càng cộng sản bao nhiêu thì càng trở về với cội nguồn dân tộc bấy nhiêu! Chân dung Hồ Chí Minh đúng như Thủ tướng nói, trở thành huyền thoại khi còn sống, huyền thoại nhưng không huyền bí, kỳ lạ, cao xa mà là siêu thực trong đời sống thường nhật; tỏa sáng trong lòng nhân dân, dân tộc và nhân loại.

Sinh ra trên quê hương Nho giáo – tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và trong gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước, tiến bộ, từ rất sớm Người đã nhen nhóm lòng yêu nước, thương dân và 21 tuổi Người quyết ra đi thực hiện hoài bão tìm con đường cứu nước, cứu dân. Thật hiếm thấy, 30 năm tuổi trẻ dấu chân Người in hằn lên khắp thế giới, trải qua bao thử thách sóng gió, hiểm nguy; 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, 18 năm Chủ tịch Đảng với bao bước ngoặt khắc nghiệt, sống còn của lịch sử Người chịu trách nhiệm cầm lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua. Cuộc đời và sự nghiệp của Người trở thành huyền thoại – lẽ sống cao thượng, đẹp đẽ; đạo đức trong sáng, thủy chung; phong cách mẫu mực, toàn vẹn; trọn đời chỉ biết dâng hiến, hy sinh. Hồ Chí Minh đeo đuổi và phấn đấu đến cùng giá trị: Độc lập, tự do, hạnh phúc và đến giây phút cuối đời, Người vẫn tiếc không được phục vụ cho giá trị đó lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, luôn xuất hiện đúng lúc và trước mỗi bước ngoặt ấy Người đã làm nên lịch sử thay đổi số phận cả dân tộc. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945; hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng CNXH… Người đã biến những điều không tưởng thành hiện thực: Đất nước được độc lập, thống nhất; nhân dân nô lệ, lầm than được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Hồ Chí Minh đã mở ra thời đại mới - thời đại dân tộc thăng hoa rực rỡ nhất trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn sống trong dân, sống như dân, trọn vẹn cuộc đời vì nước, vì dân, khiêm tốn, giản dị, trong sáng, thanh tao. Người là tấm gương sáng nhất và biểu tượng đẹp đẽ nhất của đạo đức cộng sản. Giữa Người với đồng chí, nhân dân, bạn bè hầu như không có khoảng cách. Tất cả những ai được gặp Người đều chung một cảm giác mới gặp lần đầu mà như đã quen biết từ lâu. Triết lý sống của Người chỉ gói gọn trong hai từ “nước” và “dân”, cả đời Người một lòng, một dạ vì nước vì dân. Người đau đáu với nỗi đau của dân “Mỗi nhà có một nỗi khổ riêng. Mỗi người có một nỗi đau riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại là nỗi khổ của bản thân tôi”. Người tâm niệm: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích làm cho ích quốc lợi dân”. “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Người sẵn sàng xả thân làm tất cả những gì có thể và vượt qua tất cả gian nguy, kể cả hy sinh tính mạng để thực hiện bằng được ham muốn, ham muốn đến tột bậc: “Nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý, quyền lực “Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”. Người thanh liêm, thanh liêm đến mức kinh ngạc, nể phục. Đứng trên cao nhất của quyền lực, nhưng quyền lực chỉ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, còn bản thân Người không có vợ con, nhà riêng, tiền bạc, đất đai…, ngay khi nằm xuống trên ngực áo cũng không có lấy một tấm huân chương. Người sống giản dị, giản dị nhất trong những người sống giản dị, nhưng càng giản dị, Hồ Chí Minh càng vĩ đại và hình ảnh Người càng lung linh, huyền thoại trong lòng nhân dân ta và trong trái tim nhân loại.

 Đại văn hào Victor Hugo viết đúng với con người huyền thoại kỳ vĩ Hồ Chí Minh: “Đứng trước một trí tuệ uyên bác, ta cúi đầu bái phục. Đứng trước một nhân cách cao cả, ta quỳ gối tôn thờ”. Nhưng huyền thoại Hồ Chí Minh chỉ sống cùng dân tộc, cùng thời đại khi chúng ta thấm nhuần, vận dụng sáng tạo, biết tổng kết, bổ sung, phát triển tư tưởng của Người phù hợp điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới. Tên tuổi, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người chỉ tồn tại khi  chỉnh đốn lại Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi mọi suy thoái, tiêu cực trong từng con người, cơ quan, đơn vị, địa phương và việc học tập, làm theo Người đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả trở thành hành động thường xuyên, quyết liệt, xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim, khối óc. Kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Người, kính yêu, biết ơn thiết thực nhất, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tự giác, thành tâm soi vào Hồ Chí Minh để tự vấn lương tâm, thức tỉnh, nâng cao trách nhiệm bản thân; luôn tự ý thức và hành động theo phương châm: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”, như một nhà báo nước Úc từng nói.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.