Ngăn chặn hành vi xâm hại di tích
Báo BR-VT ra ngày 16-5 vừa qua có bài viết phản ánh tình trạng xâm hại di tích Thích Ca Phật Đài, nơi đã từng là điểm đến số 1 của du khách khi đến TP.Vũng Tàu.
Với quần thể di tích kiến trúc chùa cùng các tượng Phật uy nghiêm, không gian mát mẻ, cổ kính, nhiều năm trước Thích Ca Phật Đài thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến hành hương, tham quan hàng năm. Thế nhưng gần đây, khách đến khu di tích này ngày càng thưa thớt. Nhiều người tỏ ra thất vọng khi chứng kiến cảnh người ăn xin, ngừoi bán hàng rong đeo bám, nhà vệ sinh bẩn, lối đi bị lấn chiếm… đã làm cho không gian Thích Ca Phật Đài mất đi vẻ tôn nghiêm vốn có. Dù tiếc nuối, nhưng một số DN lữ hành vẫn phải loại Thích Ca Phật Đài khỏi điểm tham quan trong tour du lịch đến BR-VT.
Không chỉ riêng Thích Ca Phật Đài, trên cả nước còn có nhiều khu di tích, danh thắng đã từng bị xâm hại bằng nhiều hình thức như: phóng uế, vẽ bậy, trộm cắp, lấn chiếm, tranh chấp… Các hành vi này vừa gây mất mỹ quan vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của di tích, danh thắng, gây lãng phí tài sản văn hóa của đất nước. Đặc biệt, với những di tích, kiến trúc lịch sử lâu đời, các di sản được kiến tạo tự nhiên, hành vi xâm hại của con người sẽ mang lại hậu quả vô cùng nặng nề, bởi khả năng phục hồi nguyên trạng cho di sản là rất khó, thậm chí không thể được.
Để phát huy giá trị của di tích, danh thắng, việc thu hút khách du lịch là giải pháp hiệu quả nhất. Qua đó, tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, nếu không sớm khắc phục tình trạng xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng thì hoạt động du lịch sẽ trở thành con dao hai lưỡi, là yếu tố dẫn đến nhiều thiệt hại cho di sản văn hóa.
Thời gian qua, cùng với chủ trương, chính sách của Nhà nước, các địa phương (trong đó có BR-VT) đã có những nỗ lực trong việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh. Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có sự quan tâm, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng xâm hại thì di sản nơi đó sẽ phát huy được tác dụng, trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan. Ngược lại, địa phương thiếu quan tâm thì di tích, danh thắng nơi đó sẽ sớm rơi vào cảnh đìu hiu, xuống cấp, bởi du khách một đi không trở lại.
Để hạn chế hành vi xâm hại di tích, danh thắng, vấn đề trước mắt cần làm là nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục. Phát tờ rơi ghi rõ những điều cần làm và những điều cấm tại các di tích, danh thắng. Soạn thảo các quy định riêng về hành vi, ứng xử, cách ăn mặc đối với du khách khi tham quan di tích. Bên cạnh các quy định mang tính tự giác như trên, cần xử phạt nghiêm những hành xâm hại di tích với những quy định chế tài mạnh hơn, bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, mạnh dạn quy trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nặng.
LAM PHƯƠNG