.

Lắng nghe phản biện

Cập nhật: 18:53, 17/05/2018 (GMT+7)

Ngay sau khi Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có đề xuất tăng thuế BVMT đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu lên kịch khung, hầu hết các học giả, chuyên gia kinh tế đều lên tiếng cho rằng, giá xăng dầu đã “cõng” quá nhiều loại thuế và phí, nếu tăng thuế BVMT vào lúc này sẽ gây nên biến động cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Không chỉ vậy, các chuyên gia kinh tế còn đề xuất trong vài năm tới chưa nên thu thuế tài sản, không nên tăng thuế VAT để tránh tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô.  

Theo đề xuất, mức tăng thuế cao nhất là dầu hỏa tăng 1.700 đồng/lít, mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít. Mặt hàng xăng tăng thuế thêm 1.000 đồng/lít… Nếu được chấp thuận thì việc tăng thuế sẽ được áp dụng từ ngày 1-7-2018, và việc này sẽ đem lại cho ngân sách nhà nước hơn 15.700 tỷ đồng/năm.  

Theo giải trình của Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á. Mặt khác, qua đánh giá thực hiện cho thấy, mức thuế BVMT đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này, do đó cần được nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Bộ Tài chính cũng viện dẫn một loạt mục đích “tốt đẹp” rằng tăng thuế BVMT qua xăng dầu để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường; Khuyến khích việc sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội; Động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.

Trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế. Tuy nhiên, hầu hết các đề xuất đều bị “bác” do vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều và phản ứng mạnh của người dân. 

Lý do để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT lần này cũng rất không thuyết phục. Cần khẳng định rằng, việc cân bằng ngân sách cần được đặt trên một loạt các giải pháp tổng thể, trong đó bao gồm cả việc chống thất thu, các giải pháp thắt chặt chi tiêu, bảo đảm chi tiêu hợp lý, chặn đứng nạn tham nhũng, tình trạng thua lỗ ở các dự án đầu tư công cũng như doanh nghiệp nhà nước chứ không thể “do tuân thủ cam kết thương mại quốc tế nên phải tăng thêm thuế BVMT” hoặc “do giá xăng, dầu ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước có chung đường biên giới và cùng khu vực ASEAN” nên phải tăng thuế. PGS.TS. Ngô Trí Long đặt câu hỏi “Tại sao Bộ Tài chính không so sánh giá xăng với Mỹ, có thu nhập cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn?”. “Mặt khác, trong khi Nhà nước khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5 - một loại xăng được giới thiệu là BVMT thì việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường kịch trần loại xăng này bằng với các loại xăng hiện tại như RON 92, RON 95 rõ ràng là mâu thuẫn”, PGS.TS.  Ngô Trí Long phản biện. 

Một chuyên gia kinh tế khác thì nói, trên danh nghĩa là thu thuế BVMT nhưng thực ra là để bù đắp phần thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm. Song, dù có gọi dưới tên gì đi nữa cũng không thể che lấp sự thật rằng tăng thuế BVMT chỉ là để bù đắp nguồn thu ngân sách đang khó khăn.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng lưu ý trước khi ban hành thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, không nên áp đặt thu phí bằng mệnh lệnh hành chính. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khuyến cáo Bộ Tài chính nên tăng cường chống thất thoát và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất. Đặc biệt, cần giảm thuế để bồi dưỡng nguồn thu. 

Thay vì cứ khó khăn lại đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính nên lắng nghe phản biện đa chiều của các chuyên gia kinh tế và của người dân, nghiêm túc cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bằng một loạt các giải pháp: Quyết liệt chống thất thu, chấn chỉnh tình trạng chi sai, lạm chi, đầu tư không hiệu quả, thắt chặt chi tiêu công, bảo đảm chi tiêu hợp lý, giảm bội chi ngân sách nhà nước…

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.