.

Mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu lực

Cập nhật: 16:14, 16/05/2018 (GMT+7)

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11-2017), Quốc hội (QH) khóa XIV đã thảo luận một bước về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để áp dụng cho các đặc khu kinh tế đang xây dựng ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Lúc ấy, về mô hình hành chính của các đơn vị này, có 2 phương án do ban soạn thảo trình QH. Phương án 1, đặc khu không có HĐND, không có UBND mà thay bằng thiết chế Trưởng đặc khu, các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc. Phương án 2, tổ chức chính quyền 1 cấp, có HĐND và UBND.

Phương án nào cũng nhắm đến mục tiêu hình thành bộ máy hành chính tinh gọn, được trao quyền mạnh mẽ để hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đi kèm là một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Sau đó, còn nhiều hội nghị khác, do các đoàn đại biểu QH các địa phương, các cơ quan chuyên môn tổ chức để lắng nghe và tập hợp ý kiến rộng rãi về vấn đề này.  Gần đây nhất, chiều 23-4-2018, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi tắt là đặc khu), đã chủ trì một hội nghị về xây dựng hệ thống chính trị tại các đặc khu. Tại đây, các ý kiến thống nhất chọn phương án của dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định chính quyền đặc khu là một cấp chính quyền với HĐND có 9-15 đại biểu, đa số là chuyên trách, không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND. Còn UBND đặc khu có chủ tịch và 2 phó chủ tịch, được bầu theo giới thiệu của Bộ Nội vụ sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh và trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND bầu.

Về tổ chức Đảng, định hướng sẽ chỉ thành lập Đảng bộ đặc khu là Đảng bộ cấp huyện trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Các ý kiến tại hội nghị còn tán thành với đề nghị bí thư Đảng bộ đặc khu nên kiêm luôn chủ tịch UBND đặc khu.

Một cơ quan quan trọng khác là Trung tâm hành chính công của đặc khu. Ông Phạm Minh Chính cho rằng, cơ quan này phải hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm tiếp nhận hồ sơ tại chỗ, thẩm định tại chỗ và phê duyệt tại chỗ, vì có như vậy mới đáp ứng nhu cầu đổi mới theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Theo ông, đến thời điểm này, nhiều vấn đề, nội dung cơ bản trong xây dựng đặc khu kinh tế đã được thống nhất cao, nhất là đã xác định được mô hình tổ chức hành chính và hệ thống chính trị tinh gọn. Tất nhiên, từ đây vẫn còn nhiều việc phải làm, ví như ban hành các văn bản luật và dưới luật để cụ thể hóa các định hướng nói trên, bố trí, tuyển chọn và huấn luyện cán bộ, công chức, tuyên truyền trong nhân dân về mô hình hành chính - chính trị mới...

Nhà nước ta chủ trương xây dựng các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhằm tạo ra các hình mẫu phát triển có tính đột phá, khai thác tốt tiềm năng, thu hút được vốn đầu tư, công nghệ cao và cách quản trị tiên tiến… cho không phải chỉ một tỉnh, mà cho một vùng và cho cả nước. Mặt khác, theo giới nghiên cứu, tổ chức thành công một mô hình hành chính - chính trị tại các đặc khu còn có ý nghĩa là trả lời được câu hỏi phải giải quyết thế nào mối quan hệ giữa Nhà nước với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; và đâu là mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả có thể áp dụng rộng ra với các cấp hành chính khác trong nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 đã ra Nghị quyết (NQ TW6) về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tiếp theo, Hội nghị Trung ương 7 vừa thông qua các chủ trương có tính đột phá đang để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, có trình độ ngang tầm nhiệm vụ. Thực hành mô hình tổ chức hệ thống chính trị và hành chính tại các đặc khu có thể xem là bài tập tốt để triển khai thực hiện NQ TW6, NQ TW7.

HẢI THANH

.
.
.