.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Cập nhật: 17:48, 23/07/2024 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 3 tuần trở lại đây, mưa lớn kèm theo dông lốc liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đơn cử, cơn dông lốc xảy ra ngày 17 và 18/7 vừa qua khiến một số căn nhà bị tốc mái hoàn toàn và làm ngã đổ hàng loạt cây xanh trên địa bàn huyện Long Điền và Đất Đỏ.

Trước đó, chiều tối 15/7, mưa kèm theo dông lốc gây sập nhà ở của 1 hộ dân tại ấp Thanh Bình 3, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Mưa to kèm lốc xoáy cũng đã xảy ra vào ngày 2/7 tại TX.Phú Mỹ khiến hàng loạt cây xanh bị gãy, đổ làm đứt dây điện; 8 căn nhà, 1 quán cà phê, toàn bộ trụ sở khối đoàn thể phường Tân Phước bị tốc mái...

Hậu quả do thiên tai gây ra là rất lớn, không thể định lượng hết bằng những con số khô cứng nêu trên. Theo thông tin từ Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDDR), trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.

Điều đáng nói là Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nổi lên là các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão trên Biển Đông, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung từ tháng 9-11. 

Tình hình thời tiết dự báo diễn biến bất thường nêu trên, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai, mưa bão. Các sở, ban, ngành và ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, để cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, tuyên truyền, cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất...

Rà soát các phương án ứng phó thiên tai, xác định các khu vực xung yếu trên địa bàn, số người dự kiến di dời, địa điểm sơ tán, phương tiện để di dời người dân nhanh nhất đến nơi tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra, đảm bảo chủ động, kịp thời và hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương.

Bên cạnh công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai của cơ quan chức năng thì sự góp sức và ý thức quan tâm phòng, chống thiên tai của toàn thể Nhân dân mang ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại do thiên tai gây ra đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TRIỆU VỸ

 

 

.
.
.