.

Không chỉ là phân loại rác

Cập nhật: 16:53, 17/07/2024 (GMT+7)

Khu chung cư nơi tôi ở có một bà cụ gần 70 tuổi. Bà là một cán bộ nghỉ hưu, được anh con trai mua cho căn hộ ở tầng 16. Mỗi ngày, bà đi tất cả các tầng để nhặt nhạnh các loại rác phế liệu có thể bán cho các vựa ve chai ở gần đó. “Tôi còn khỏe, công việc này vừa là niềm vui nhưng cũng kiếm thêm thu nhập”, bà cho hay.

Từ ngày biết bà nhặt ve chai, rất nhiều cư dân ở chung cư đã tự phân loại rác. Bìa các tông, chai lọ, giấy, bao ni lông, giày dép hư hỏng… được bỏ riêng vào một các túi to và để vào một góc ở gần họng rác. Như một quy ước bất thành văn, chúng tôi biết bà sẽ đi lấy mỗi ngày và dọn dẹp sạch sẽ khu vực để ve chai.

Dù chưa phải thực hiện theo quy định về quản lý chất thải trên địa bàn theo Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND tỉnh, nhưng bước đầu hình thành thói quen phân loại rác từ mỗi hộ gia đình ở chung cư và mang lại một chút lợi ích cho bà cụ nhặt ve chai.

Và tất nhiên, chúng tôi cũng đã nắm được thông tin, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Chế tài nhằm đảm bảo các cộng đồng dân cư quen với việc phân loại rác tại nguồn và sử dụng bao bì lưu chứa rác đã phân loại.

Đây cũng là quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc phân loại rác tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, đem lại lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế - xã hội.

Phân loại rác tại nguồn đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thành công và đi vào nề nếp trong nhiều năm qua. Việc phân loại rác luôn được bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ nguồn cho tới tận nơi xử lý cuối cùng, đồng thường được quản lý hết sức nghiêm ngặt. Đơn cử, ở Hàn Quốc, một trong những quốc gia có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người dân về việc phân loại rác thải và quản lý rác thải trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Mỗi khu dân cư có người quản lý làm nhiệm vụ kiểm tra việc phân loại rác thải của người dân. Việc không tuân thủ các quy tắc phân loại rác liên tục có thể dẫn đến việc cư dân đó buộc phải di dời. Những ai sử dụng túi rác không đúng quy định sẽ bị phạt lên đến 1 triệu Won - đây là mức phạt khá cao.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương, DN, đơn vị cũng triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn. Do nhiều nguyên nhân, việc làm này chưa đạt hiệu quả như mong muốn khi chưa có sự đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.

Chính vì vậy, để đưa chủ trương đúng đắn và ý nghĩa này đi vào thực tiễn cuộc sống, việc tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức của người dân sẽ là giải pháp quan trọng đầu tiên. Thói quen này cần hình thành càng sớm càng tốt ở mỗi gia đình như một nét văn hóa theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã làm. Cùng với đó là phải đầu tư đồng bộ trong tất cả các khâu từ hạ tầng thu gom, vận chuyển đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.

NGÔ GIA

 
.
.
.