.

Không quá hoang mang, cũng đừng chủ quan…

Cập nhật: 16:33, 15/07/2024 (GMT+7)

Suốt mấy ngày qua, em gái tôi như bấn loạn vì thông tin ở quê chồng có ca bệnh bạch hầu - một căn bệnh tưởng chừng như đã bị xóa sổ từ lâu. Sở dĩ, em bất an vì các cháu vừa được nghỉ hè là về hết quê nội để thăm ông bà. Cô em gái còn tính tới chuyện ngay lập tức cho các con trở lại thành phố dù mới về quê được mấy ngày. Bởi cách đây vài năm, cũng trong dịp hè, một trong số các cháu đã bị bệnh sởi do lây nhiễm từ những đứa trẻ trong xóm khi về quê thăm ông bà. Bệnh rồi cũng hết, nhưng từ đó, em gái tôi luôn cảnh giác cao độ, vẫn không yên tâm dù các con đã được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ.

Có lẽ, sự bấn loạn của cô em gái tôi được kích hoạt một phần bởi sự lan truyền thông tin qua mạng xã hội, với những nội dung cố tình thổi phồng mức độ nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Chỉ sau khi được chính chồng mình, là một bác sĩ ở bệnh viện có tiếng giải thích một cách khoa học, cặn kẽ hàng giờ đồng hồ, em gái tôi mới tạm yên tâm để các cháu ở lại với ông bà.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần đây liên tiếp đưa tin về một số căn bệnh đã lâu ít được nhắc đến, thậm chí tưởng như đã thanh toán xong cùng với tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng, như bạch hầu, sởi, ho gà và cả bệnh sốt rét... Hay như bệnh lao, một căn bệnh đã gần như tiệm cận ở mức loại trừ. Những năm gần đây, có thời điểm, bệnh sởi dường như bùng phát trở lại với số ca mắc tăng cao ở nhiều địa phương trên cả nước.

Điều đó cho thấy, dù tiêm chủng mở rộng đã phủ sóng trên cả nước, nhưng không có nghĩa những căn bệnh nằm trong chương trình đã được loại trừ hoàn toàn ở nước ta và vì thế không được phép chủ quan. Trên thực tế, có thể vẫn có những “vùng trũng” mà chương trình tiêm chủng mở rộng bỏ lọt, hoặc cũng có một số người bị bỏ sót do nhiều nguyên nhân. Chưa kể, tùy từng cơ địa hoặc chủng vi rút bùng phát mà việc tiêm vắc xin vẫn có xác suất nhất định không mấy tác dụng. Vậy nên, chỉ là ít được nhắc tới, không có nghĩa bệnh đã biến mất hoàn toàn, mà vẫn ghi nhận rải rác và hoàn toàn trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Do đó, việc hoang mang quá mức là không cần thiết khi nghe thông tin về ổ dịch và cần phải chọn lọc thông tin từ nguồn chính thống, để loại trừ những lời khuyên phòng hoặc điều trị bệnh không có căn cứ khoa học.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan và quay trở lại của các bệnh truyền nhiễm, bên cạnh sự nỗ lực với vai trò nòng cốt của ngành y tế, rất cần sự chung tay của mỗi cá nhân và cộng đồng. Chính quyền các cấp cũng cần có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đặc biệt là trong truyền thông để cộng đồng có thông tin chuẩn xác, tránh gây hoang mang hoặc chủ quan quá mức với việc phòng, chống dịch bệnh.

Việc tiêm chủng là rất cần thiết, đặc biệt với trẻ nhỏ, cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bởi đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn miễn phí từ hàng chục năm nay, thông tin có đầy đủ trên Cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế. Các bậc cha mẹ cũng có thể đến trạm y tế xã, phường nơi gần nhất để tìm hiểu, được tư vấn đầy đủ thông tin về các loại vắc xin ngừa bệnh (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan...) cho trẻ.

Sự xuất hiện của các ca “bệnh xưa cũ” là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để cuộc sống của mình, của người thân và cộng đồng ngày càng an toàn hơn.

HẠ VY

 

 

.
.
.