.

Lỗi ở người lớn

Cập nhật: 17:44, 18/07/2024 (GMT+7)

Những nguy hại khi trẻ sa đà vào các hoạt động trên internet (không gian mạng) như game online (trò chơi trực tuyến), mạng xã hội, chat… ngày càng trở nên nghiêm trọng. Gần đây là 2 trường hợp độ tuổi thiếu niên lên cơn động kinh nhập viện tại Bệnh viện Vũng Tàu, do sử dụng các thiết bị kết nối internet quá mức.

Điều đó đang trở thành nỗi lo của các bậc phụ huynh, nhưng nguyên nhân gốc rễ lại từ chính bản thân họ.

Trước tiên phải nói đến môi trường mà trẻ đang sống, đầy rẫy các thiết bị kết nối internet. Người lớn vì nhiều lý do rất ít khi rời mắt khỏi chiếc smartphone (điện thoại thông minh) hay màn hình vi tính. Khi trẻ muốn cha mẹ chơi cùng thì họ rất khó để rời bỏ, bởi chính bản thân cũng đang bị lôi cuốn bởi các hoạt động trên không gian mạng. Thay vào đó, để con không quấy rầy thời gian sử dụng internet, họ mua riêng cho con chiếc iPad (máy tính bảng), smartphone. Trẻ dần chìm đắm trong thế giới của những trò chơi, bộ phim trên internet lúc nào không hay. Và lẽ dĩ nhiên, trẻ sẽ rút lui ra khỏi thế giới bên ngoài, không còn hứng thú khám phá cỏ cây, côn trùng… và những điều thú vị của cuộc sống.

Khi ở độ tuổi thiếu niên, trẻ có nhu cầu kết giao bạn bè và muốn tách rời cha mẹ, họ lại lo sợ con vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Thế nên, họ muốn kiểm soát con bằng chiếc smartphone có thiết bị theo dõi, yêu cầu báo cáo thường xuyên, lưu trữ mọi hoạt động cùng danh sách bạn bè của con. Vì lẽ đó, trẻ đành phải thu mình, chọn không gian mạng, thế giới game trực tuyến làm chốn riêng tư cho bản thân - nơi cuối cùng trẻ hầu như có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn.

Ngay cả khi không có sự lo lắng kiểm soát của cha mẹ bủa vây, thiếu niên cũng không biết đi đâu để chơi, khi không gian đô thị quá chật chội, thiếu vắng những khu vui chơi, giải trí miễn phí cho các em. Và không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để cho con học lớp năng khiếu, thể dục thể thao, các lớp kỹ năng sống... Bởi các lớp này học phí không hề rẻ, 1 buổi học từ 100 - 200 ngàn đồng. Nếu trẻ học cả 3 tháng hè, cha mẹ cũng tiêu tốn gần chục triệu đồng.

Một điều nữa, khi nhận ra trẻ sa sút học tập, sức khỏe do sử dụng internet quá đà, phần lớn phụ huynh chọn giải pháp cấm đoán. Lúc này, trẻ sẽ tìm cách để xem trộm ở những nơi khác khi không có mặt cha mẹ, hay lợi dụng những thời điểm học tập trên máy vi tính để chơi game và lướt website, mạng xã hội… Với bộ não tinh ranh, linh hoạt của tuổi trẻ, các con có muôn vàn cách để đối phó, mà cha mẹ khó có thể lường hết được.

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là hãy nói chuyện với các con về các hoạt động sử dụng internet của con. Cha mẹ cùng nhau xác định đâu là điểm tốt và xấu, đồng thời thương lượng một bộ quy tắc và các ngoại lệ để quản lý hành vi của con trên không gian mạng. Tất nhiên, phụ huynh là người dẫn dắt quá trình đó với tư cách cha mẹ, nhưng cũng nên tạo cơ hội cho con trẻ được đóng góp ý kiến.

Phụ huynh nên nhấn mạnh rằng có cả hoạt động tích cực lẫn hoạt động lãng phí thời gian trên không gian mạng. Hãy cho con thời gian để thư giãn như chơi game hoặc lướt mạng xã hội sau khi con đã hoàn thành một hoạt động tích cực, chẳng hạn như tìm kiếm kiến thức cho bài tập ở lớp, học tiếng Anh, lập trình…Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ trong một thời gian nhất định được thỏa thuận giữa cha mẹ và con cái. Trẻ cần nghiêm túc tuân thủ để có những “phần thưởng” được sử dụng internet giải trí cho những lần tiếp theo.

NGUYỄN THI

.
.
.