.

Từ chủ trương cấm đốt hàng mã...

Cập nhật: 15:37, 19/07/2024 (GMT+7)

Nhân chủ trương “nói không” với hoạt động cúng đốt hàng mã đang triển khai ở các điểm, khu di tích tại huyện Côn Đảo, để nhìn nhận rộng hơn về thực trạng hoạt động này trong cộng đồng.

Trong tháng 7 âm lịch sẽ diễn ra ngày lễ Vu Lan và cúng rằm, là dịp mà người dân Việt chuẩn bị nhiều lễ vật cúng tổ tiên, trong đó hoạt động đốt hàng mã. Trong những dịp như vậy, lượng hàng mã sử dụng tăng lên gấp nhiều lần gây ra những hệ lụy như nguy cơ cháy nổ, khói bụi gây ô nhiễm, tốn kém… Việc cấm đốt hàng mã là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn công cộng. Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen và phong tục cổ truyền này một cách bền vững là điều không dễ thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng: “Đốt hàng mã là hủ tục chứ không phải phong tục, đã là hủ tục thì nên bỏ”. Dù rất khó cấm triệt để, nhưng cần có những chính sách để hạn chế phù hợp không chỉ riêng với Côn Đảo mà với tất cả các địa điểm tín ngưỡng, lễ hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Khi chưa thể cấm hoàn toàn, nên thiết lập các địa điểm phù hợp để đốt vàng mã, đặc biệt là ở các chung cư hoặc khu phố, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, cần tuyên truyền để giảm dần quy mô hoạt động này, nhằm giảm lãng phí.

Ở nhiều quốc gia tồn tại phong tục này như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đều đã ban hành các quy định nghiêm ngặt để hạn chế việc đốt vàng mã trong các dịp lễ hội. Chẳng hạn, tại Singapore, đốt vàng mã bị kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt trong các khu vực đô thị. Chính phủ Singapore đã xây dựng các khu vực cúng lễ được quy hoạch rõ ràng, nơi người dân có thể đốt vàng mã dưới sự giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt. Còn ở Nhật Bản, việc đốt vàng mã không phổ biến như ở các quốc gia khác, nhưng những lễ hội và nghi lễ đốt giấy cầu an vẫn tồn tại. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế để đảm bảo an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường. Các hoạt động này thường được kiểm soát và giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo tuân thủ quy định.

Kinh nghiệm từ các quốc gia nói trên cho thấy, các chính sách và quy định về việc đốt vàng mã cần được xây dựng một cách rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện. Đồng thời, cần có các biện pháp giám sát và kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tuân thủ quy định.

Bên cạnh đó, việc thay đổi một thói quen và phong tục lâu đời đòi hỏi sự đồng thuận và hợp tác từ cộng đồng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng cần đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các phương thức cúng lễ thay thế, thân thiện với môi trường và an toàn hơn.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp thành công trong việc cấm đốt vàng mã nữa là giáo dục và tuyên truyền. Chính phủ và các tổ chức xã hội cần phối hợp để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt vàng mã đối với môi trường và sức khỏe. Các chiến dịch tuyên truyền cần được thực hiện liên tục và toàn diện, từ trường học đến các phương tiện truyền thông đại chúng.

ANH ĐÀO

 

.
.
.