.

Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử

Cập nhật: 17:02, 12/07/2024 (GMT+7)

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong thời đại kỹ thuật số và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng bình quân 25%/năm, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Kết quả thống kê số liệu những năm gần đây đã chứng minh cụ thể về sự tăng trưởng vượt bậc đó: Năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp vào ngân sách 83.000 tỷ đồng; năm 2023, doanh thu quản lý thuế đã tăng lên 3,5 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp 97.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu được hơn 60.000 tỷ đồng tiền thuế từ các hoạt động TMĐT.

Đến nay, đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ lớn như: Facebook, Google, Microsoft, Tiktok, Netflick, Apple… kê khai nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn TMĐT xuyên biên giới, với số tiền 15.600 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động TMĐT đã và đang phát sinh nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của người dân. Trong đó, đáng chú ý là nhiều website, mạng xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh TMĐT… lợi dụng kẽ hở của pháp luật tìm mọi cách để trốn thuế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các vấn đề thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT trên mạng xã hội, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: “Không thể không thừa nhận là vẫn còn một tỷ lệ đáng kể thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT”.

Nhiều năm gần đây, thuế thu được từ các hoạt động kinh doanh TMĐT là nguồn thu quan trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này đang đối diện nhiều thách thức. Trước hết, do phương thức mua bán, giao dịch TMĐT được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội, nên các doanh nghiệp, các cá nhân thường không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không ghi rõ địa chỉ cụ thể… Việc thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động TMĐT để yêu cầu kê khai doanh số mua bán, kê khai nộp thuế đối với các cơ quan chức năng như lạc vào ma trận “đáy bể mò kim”.

Mặt khác, trên sàn giao dịch TMĐT, một doanh nghiệp, một cá nhân kinh doanh có thể có nhiều kho hàng, nhiều chủng loại hàng hóa, cùng lúc giao thương với nhiều đối tượng, nhiều trang mạng xã hội. Hơn nữa, trong các giao dịch của kinh tế số, rất khó để phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường để làm căn cứ tính thuế, nghĩa vụ khai thuế…

Có thể khẳng định rằng, kinh tế số đang ngày càng phổ biến và các hoạt động TMĐT là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Để vừa khuyến khích kinh tế số, TMĐT phát triển, vừa chống được thất thu thuế và bảo đảm công bằng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, các địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, quyết liệt và hiệu quả cao trong việc thu thuế qua sàn TMĐT.

Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc quản lý đầy đủ các chủ thể tham gia, kiểm soát các giao dịch thanh toán, xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT; góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy được những ưu thế kinh doanh TMĐT trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Đồng thời, triển khai sâu rộng việc áp dụng định danh điện tử cho các doanh nghiệp, cá nhân trên sàn giao dịch TMĐT và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không kê khai nộp thuế, trốn thuế kinh doanh TMĐT.

HOÀNG LÊ

 

 

.
.
.