.

Nạn lừa đảo như tắc kè hoa

Cập nhật: 18:23, 16/07/2024 (GMT+7)

Tắc kè hoa thuộc họ bò sát. Có đến hơn 200 loài tắc kè hoa được thống kê. Và điểm làm cho chúng trở nên nổi bật là khả năng biến đổi nhanh chóng ít nhất 7 màu sắc… Thật đáng xấu hổ khi so sánh nạn lừa đảo với loài bò sát đáng yêu này. Nhưng giống như màu da tắc kè hoa, nạn lừa đảo đang hoành hành và biến đổi với vô vàn chiêu thức khiến ai cũng có thể dễ dàng mắc bẫy.

Thời gian gần đây, nhiều kênh bán hàng online trên các nền tảng youtube, facebook, tiktok liên tiếp đưa ra cảnh báo người tiêu dùng về thủ đoạn lừa đảo mới. Thủ đoạn này khai thác sự lơ là mất cảnh giác của người mua hàng online.

Quy trình tấn công của các đối tượng lừa đảo là chúng lập các tài khoản, đăng ký tham gia các kênh bán hàng trực tuyến có số lượng người mua lớn. Tại các buổi bán hàng online, khi chốt đơn hàng, người mua thường phải ghi số điện thoại liên hệ. Người bán sẽ dựa vào số điện thoại đó liên lạc người mua để chốt đơn. Việc chốt đơn giữa người bán và người mua cần một khoảng thời gian nhất định. Thường ở những kênh lớn thì phải đến ngày hôm sau, người bán mới gọi lại người mua để cập nhật thông tin đơn hàng.

Và đây chính là thời gian để các đối tượng lừa đảo vào cuộc. Chúng quan sát các đơn hàng, dễ dàng có được số điện thoại của người mua. Chúng đi trước người bán một bước trong việc liên hệ người mua. Chúng yêu cầu đặt cọc một phần tiền, hoặc chuyển khoản trước đơn hàng đã chốt (thông thường, đối với  hàng hóa có giá trị, để bảo đảm không bị bom hàng, người bán hàng yêu cầu khách hàng đặt cọc trước một ít).

Với thông tin chi tiết đơn hàng đã có, bọn lừa đảo dễ dàng đưa người mua vào bẫy. Rất nhiều người đã vội vàng chuyển tiền cọc, chuyển tiền trước vào tài khoản lừa đảo. Đến khi người bán gọi lại để chốt đơn, thì hỡi ơi, tiền đã vào tài khoản kẻ khác.

Sau khi các ngân hàng áp dụng giải pháp sinh trắc học đối với các lệnh chuyển tiền trên 10 triệu đồng, các đối tượng lừa đảo bị một rào cản bảo mật rất khó xâm nhập. Bây giờ kể cả khi bị đánh cắp tài khoản ngân hàng, các loại trộm cướp công nghệ cao cũng khó có thể thực hiện những lệnh chuyển tiền qua internet banking với số lượng lớn ra khỏi tài khoản người bị tấn công.

Trước đây, nhiều giao dịch có thể ẩn danh, có thể sử dụng tài khoản của người khác để phạm tội và chuyển tiền mà không để lại dấu vết của kẻ phạm tội. Nhưng bây giờ, sinh trắc học đã buộc kẻ phạm tội phải chường mặt ra trước ống kính camera nếu thực hiện những giao dịch qua internet banking với số tiền lớn.

Thế nhưng, biến chiêu của tội phạm lừa đảo là vô cùng phức tạp. Chúng liên tiếp nghĩ ra các chiêu trò mới. Từ lừa đảo quy mô lớn, đến lừa đảo vặt. Đòi hỏi người dân luôn phải cập nhật thông tin, cố gắng hiểu các hình thức lừa đảo để nêu cao tinh thần cảnh giác. Tội phạm lừa đảo suy cho cùng đều thao túng tâm lý nạn nhân vì 2 lẽ: một là thiếu hiểu biết, hai là thiếu cẩn thận.

Và dù tội phạm lừa đảo có thể biến chiêu liên tục, thì điều chúng không thể thay đổi là các phương thức liên lạc, chủ yếu là các cuộc gọi điện. Quản lý hệ thống sim điện thoại chặt chẽ vẫn sẽ là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất, là đòi hỏi lớn nhất đang đặt ra với cơ quan chức năng, trong bối cảnh tội phạm lừa đảo như tắc kè hoa.

THU THẢO

.
.
.