Cuộc cãi vã trên cao tốc
Đầu tháng 7/2024, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Hải Dương, sau cú va chạm không nghiêm trọng giữa một xe khách 16 chỗ và một xe bán tải, 2 tài xế dừng xe trên làn 120km/h và xuống xe cãi vã. 180 giây sau, một ô tô 7 chỗ lao tới, đâm vào xe 16 chỗ và đâm trúng 2 người đang trong cuộc cãi vã. Cả hai tài xế tử vong, 9 người khác bị thương.
3 tài xế đều có lỗi trong vụ tai nạn. Ngoài lỗi của tài xế xe 7 chỗ là thiếu quan sát, thì lỗi nhiều hơn thuộc về 2 người đã đứng giữa làn cao tốc cãi nhau. Cuối cùng, dù ai sai nhiều hơn, cái giá phải trả là sinh mạng của con người.
Đây không phải là lần đầu tiên, những vụ tai nạn trên cao tốc xảy ra do những lỗi “không thể tưởng tượng nổi” của các tài xế. 4 năm trước, một tài xế lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên bị xe container từ phía sau đâm phải, khiến 5 người chết. Cũng trên cao tốc này, tháng 5/2024, một người đàn ông chạy xe máy ngược chiều bị ô tô tải tông tử vong…
Và còn rất nhiều những trường hợp khác đã được ghi hình trên cao tốc vì chạy ngược chiều. Phụ nữ có, đàn ông có. Tài xế ít kinh nghiệm có, người giàu kinh nghiệm cũng có. Tai nạn trên cao tốc đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Thống kê sơ bộ, 7 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến cao tốc đã có đến 8 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với 13 người tử vong, hàng chục người bị thương.
Cao tốc không phải là đường làng. Cao tốc là nơi ưu tiên cho tốc độ vận hành, trật tự và tuân thủ quy tắc trong đi lại; văn minh, kỹ lưỡng trong xử lý tình huống.
Nước ta đang tập trung đầu tư đồng bộ cao tốc từ Bắc đến Nam. Tính đến tháng 7/2024, cả nước đã có hơn 2.000km cao tốc. Dự kiến, trong vòng 2 năm tới, sẽ có thêm khoảng 3.000 km cao tốc được xây dựng. Mục tiêu đến năm 2030, có 5.000km đường bộ cao tốc vận hành thông suốt, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông, cửa khẩu…
Cao tốc là hạ tầng giao thông đường bộ viên mãn nhất của mọi quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại. Ở Đức thậm chí còn có cả Autobahn - mạng lưới đường cao tốc không giới hạn tốc độ. Khi lưu thông trên Autobahn, tài xế được phép nhấn “tẹt ga”, miễn sao sức khỏe chịu đựng được.
Mà thôi, chỉ nghĩ đến mấy người chạy ngược chiều hoặc đỗ xe cãi nhau trên cao tốc như ở nước ta thì cũng đừng tâm tưởng đến loại cao tốc siêu thực đó làm gì. Thực tế, cũng không riêng gì nước mình, số quốc gia dám vận hành đường cao tốc không giới hạn tốc độ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn dành cho các loại địa hình đặc thù như: Isle of Man (hòn đảo nằm giữa Anh Quốc và Bắc Ireland), sa mạc muối Bonneville Salt Flats của Mỹ… Tất cả đều phải có những quy chuẩn đặc biệt để bảo đảm an toàn, kể cả hạ tầng và ý thức tài xế.
Kể chuyện Đông Tây như vậy, để thấy rằng, cùng với tốc độ xây dựng và hoàn thiện cao tốc, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy tắc giao thông ở nước ta cần phải được chuẩn hóa thông qua pháp luật và đạo đức của người lái xe.
Đừng nghĩ rằng tội ác là cứ phải cầm dao, cầm súng lao vào nhau. Sự thờ ơ trước sinh mạng của con người, sự thiếu ý thức khi lưu thông trên cao tốc, không chấp hành pháp luật vì tiện ích, vì thiếu hiểu biết… đều có thể là tội ác.
Đi kèm với sự chuẩn hóa về ý thức, trách nhiệm, còn đòi hỏi sự chuẩn hóa về hệ thống hạ tầng. Đến nay, cả nước còn có 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn… Đã đến lúc, phải khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc theo Chỉ đạo của Chính phủ, từ đó làm căn cứ pháp lý, trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc mới và nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư.
HOÀNG NAM