.

Trạm thu phí - vẫn chưa vào hồi kết!

Cập nhật: 18:15, 10/06/2018 (GMT+7)

Cuối tuần qua, báo chí cả nước đồng loạt đưa tin: Sau 3 tháng đổi tên từ “Trạm thu phí BOT” sang “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn đề nghị Bộ GT-VT dùng lại tên gọi cũ. Lý do trở lại tên “Trạm thu phí BOT” được Tổng cục Đường bộ giải thích là để thống nhất tên gọi phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, được người dân và DN đồng tình. Động thái trên đây của Tổng cục Đường bộ chính thức khép lại những “lùm xùm” chung quanh chuyện câu chữ gây nên phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong hơn tuần lễ vừa qua. Thế nhưng, câu chuyện về những trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ gây bức xúc dư luận thì vẫn chưa đi vào hồi kết. 

Ngày 4-6, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (QH), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận một số khu vực hiện nay mật độ trạm BOT dày đặc, đặt không đúng vị trí, ảnh hưởng đến đời sống của DN, người dân. Dầu vậy, hiện vẫn chưa thể di dời các trạm thu phí bởi nếu di dời thì Nhà nước phải mua lại dự án mà ngân sách hiện không đủ để mua lại các dự án này. Người đứng đầu ngành GT-VT “mong đại biểu QH và người dân hết sức thông cảm”, còn về phần mình Bộ GT-VT cố gắng giảm các chi phí của người dân đi qua các trạm này một cách tốt nhất, giảm toàn bộ các xe và giảm bà con sống trong khu vực của các trạm thu BOT. 

Trao đổi với báo chí bên lề QH, nhiều đại biểu cho rằng phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GT-VT chưa làm họ thỏa mãn bởi chưa chỉ ra được trách nhiệm của ngành trong việc đề xuất, phê duyệt dự án và quyết định vị trí đặt trạm thu phí BOT và đó là lý do khiến họ giơ biển xin tranh luận trở lại. Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông, nhiều người dân chia sẻ điều mà họ trông đợi là bao giờ dẹp bỏ hoặc di dời các trạm thu phí BOT bất hợp lý chứ không phải là các giải pháp chung chung. 

Một ngày sau khi Bộ trưởng Bộ GT-VT đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH về các vấn đề liên quan đến BOT, trong đó có chuyện thu phí - thu giá, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ GT-VT xem xét dỡ bỏ trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Lý do là người dân không sử dụng tuyến đường tránh TP. Vĩnh Yên (đặc biệt là khách du lịch, hành khách đi sân bay Nội Bài, nhân dân huyện Sóc Sơn) vẫn phải nộp tiền “thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” khiến cử tri TP. Hà Nội bức xúc và có ý kiến. Điều này cho thấy phương án xử lý các trạm thu phí BOT chưa thuyết phục, vẫn còn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người tham gia giao thông lẫn các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương.  

Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Hiệu quả của các dự án BOT giao thông đem lại là không thể bàn cãi. Việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí thứ 74 thế giới minh chứng cho điều đó. Nhưng các trạm thu phí BOT giao thông cũng cho thấy nhiều bất cập: Mật độ trạm dày đặc, đường làm một nơi trạm đặt một nẻo, phí chồng phí, ảnh hưởng tới DN, người dân, tác hại đối với nền kinh tế.  

Hoạt động của các trạm BOT phải hợp lý và đặt dưới sự giám sát của người dân. Chủ trương dù đúng đắn nhưng thiếu sự đồng thuận của người dân thì vẫn gặp trục trặc trong triển khai thực hiện. Ngày nào các trạm thu phí BOT bất hợp lý còn tồn tại, ngày đó người dân còn bức xúc, tiếp tục đòi sự minh bạch, công bằng. 

Người dân tin tưởng và kỳ vọng thời gian tới, từ kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, Chính phủ sẽ khẩn trương xử lý các bất cập, tồn tại, nhất là về điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp tài chính, thời gian khai thác và mức phí, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân như khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tuần rồi trên diễn đàn QH.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.