.

"Cùng chung tay giữ màu xanh của biển"

Cập nhật: 09:55, 08/06/2018 (GMT+7)

Đó là chủ đề của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2018, do Bộ TN-MT phát động, nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6 và Ngày Đại dương thế giới 8-6.

Vì sao phải giữ màu xanh của biển? Báo cáo “Nhìn thấy trước tương lai của biển” (Foresight Future of the Sea) được chính phủ Anh công bố mới đây cho thấy, 70% lượng rác thải trên biển là nhựa không thể phân hủy và dự kiến lượng rác thải này sẽ tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2025, nếu các nước không sớm có các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế loại rác thải này.

Một con số khác được các nhà khoa học Mỹ công bố cũng rất đáng chú ý: Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã tạo ra khoảng 9 tỷ tấn nhựa và có đến gần 7 tỷ tấn trong số này trở thành chất thải, nhưng chỉ có 9% được tái chế. Ước tính, đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trên thế giới sẽ đạt mức 12 tỷ tấn, nhiều hơn cả trọng lượng… cá của các đại dương cộng lại. 

Đây là những con số báo động, buộc thế giới phải cấp thiết tìm hướng giải quyết vì rác thải nhựa rất khó phân hủy, đòi hỏi thời gian hàng trăm năm. Rác thải đã tạo nên những “đảo rác” khổng lồ trên đại dương. Chẳng hạn, “đảo rác” Thái Bình Dương có diện tích 1,6 triệu km2 nằm giữa Hawaii và California, Mỹ. Các nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ đại dương The Ocean Cleanup ước tính có ít nhất 79.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi ở đảo rác này. Hay như tại Vườn quốc gia Côn Đảo, lực lượng kiểm lâm cũng phải thường xuyên thu gom rác thải từ đại dương tấp vào với khối lượng từ 500-700m3 mỗi năm. Đáng chú ý, đây là các loại rác vô cơ, khó bị phân hủy như: túi nylon, thùng xốp, thùng nhựa, các loại vỏ lon, chai, lọ, dụng cụ đựng hải sản và ngư cụ...

Để hạn chế rác thải nhựa, các nước phát triển đã đẩy mạnh dùng vật liệu dễ phân hủy, hạn chế dùng túi nylon; phân loại chất thải từ đầu nguồn... Nhưng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do tính tiện dụng và giá thành rẻ nên túi nylon được dùng phổ biến và trở thành nguồn rác thải nguy hại, đe dọa môi trường. Trong khi đó, việc phân loại rác thải từ đầu nguồn mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm tại một số đô thị. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của đa số người dân chưa cao. Nhiều người còn vô tư xả rác ra ao hồ, sông suối, kênh rạch rồi rác theo dòng nước trôi ra biển. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hải sản xả nước thải, rác thải trực tiếp ra sông, biển làm ô nhiễm nguồn nước mặt ven bờ. Ngư dân trong khi hoạt động đánh bắt hải sản cũng vô tư xả rác sinh hoạt và ngư cụ hư hỏng xuống biển, bởi ai cũng nghĩ rằng, biển cả bao la, có thể chứa đựng và làm sạch mọi thứ.

Trước tình trạng rác thải tràn lan trên bãi biển do hoạt động du lịch, từ năm 2016, TP.Vũng Tàu đã cấm hoạt động nấu nướng, buôn bán và ăn uống trên bãi biển, khu vực công cộng. Chủ trương này đã được nhân rộng ra toàn tỉnh và mang lại những hiệu ứng tích cực, khi bãi tắm ngày càng sạch sẽ, không còn rác thải lẫn trong nước biển như trước đây. 

Nhưng đó chỉ là những kết quả bước đầu và trong phạm vi hẹp. Môi trường còn bị ô nhiễm bởi hoạt động xả thải từ sinh hoạt, sản xuất. Do đó, công cuộc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ đại dương nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm, bền bỉ của các cấp chính quyền và những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Ý thức người dân về bảo vệ môi trường phải được thay đổi. Đừng ai nghĩ rằng chỉ mình mình có ý thức bảo vệ môi trường sẽ không thay đổi được gì. Đừng ai nghĩ rằng, chỉ mình mình xả rác sẽ không sao… Muốn vậy, các cấp, các ngành, đoàn thể, nhà trường phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ, từ gia đình, đến nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, vừa để nêu gương, vừa để răn đe. 

Các chiến dịch kêu gọi bảo vệ môi trường chỉ thực sự có ý nghĩa khi làm thay đổi được nhận thức của người dân. Và bảo vệ môi trường phải là hành động thường xuyên, liên tục chứ không chỉ là hoạt động mang tính hình thức, theo kiểu hưởng ứng chiến dịch, rồi sau đó lại bị lãng quên.

Bảo vệ môi trường, cần sự chung tay của mọi người, của toàn xã hội!

NGUYỄN ĐỨC

 

.
.
.