Bảo vệ trẻ em thời đại công nghệ số!
Bước vào Tháng hành động vì trẻ em và mùa hè năm 2018, trong những ngày qua, từ tỉnh đến cơ sở đã diễn ra nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em. Cụ thể, Ban Chỉ đạo hè tỉnh đã tổ chức lễ khai mạc hè và phát động “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2018 với chủ đề “Hành trình trải nghiệm - Tư duy sáng tạo - Vững bước tương lai”; Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh phối hợp với Nhà Thiếu nhi tỉnh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Ngày hội “Trải nghiệm kỹ năng sống” cho 164 em HS bậc THCS là con CBCCVC đến từ các công đoàn cơ sở trực thuộc, các em có hoàn cảnh kém may mắn của Trung tâm Công tác xã hội (thuộc Sở LĐTBXH); Các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng đồng loạt tổ chức khai mạc hè và phát động Tháng hành động vì trẻ em; Chi đoàn Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh BR-VT phối hợp với UBND xã Châu Pha, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Thành Tâm (TX.Phú Mỹ) tổ chức chương trình “Vì đàn em thân yêu” năm 2018…
Không chỉ có tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em và mùa hè, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được cả hệ thống chính trị của tỉnh và các DN, mạnh thường quân quan tâm, thực hiện. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, trong năm 2017, các diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói: Được tổ chức với các hình thức như: Thi hùng biện, thuyết trình, nói chuyện chuyên đề với các chủ đề về thực trạng và tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ em, có nhiều diễn đàn đã mời các chuyên gia tâm lý hỗ trợ tư vấn, giải đáp và hướng dẫn cách phòng tránh xâm hại trẻ em; các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 38 lớp phổ cập bơi cơ bản cho 1.951 trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi đang sinh sống gần vùng ao, hồ, sông để phòng tránh tử vong do đuối nước… Trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2018, Sở LĐTBXH trao 490 suất quà (300 ngàn đồng/suất), 164 chiếc xe đạp (2,5 triệu đồng/chiếc) và 1.000 cặp xách cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội, trường học và gia đình nhưng tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tử vong vì tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra nhiều trên địa bàn của tỉnh. Trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 21 em tử vong do tai nạn thương tích, 27 em bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, còn nhiều vụ tai nạn thương tích không gây tử vong chưa được báo cáo, thống kê đầy đủ và những vụ xâm hại chưa bị phát hiện.
Ngày 5-6 vừa qua, tại Nghị trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và một số bộ, ngành liên quan về xâm hại tình dục trẻ em. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nhấn mạnh, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm và trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 em bị xâm hại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và tai nạn thương tích trẻ em, nhưng nguyên nhân chính là nhiều gia đình mải mê với công việc làm ăn kinh tế, ít dành thời gian quan tâm đến con, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con nên việc phòng, chống bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích trẻ em bị coi nhẹ; Nhận thức của gia đình và cộng đồng về bảo vệ trẻ em chưa được đầy đủ, có ít trường hợp đấu tranh để ngăn chặn hành vi ngược đãi, bạo lực trẻ em ở gia đình và cộng đồng hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý. Có những cha mẹ lơ là, chủ quan, chưa lường trước được những tác động xấu của môi trường xung quanh để bảo vệ con như số liệu của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đưa ra là 6% trẻ em bị xâm hại tình dục liên quan đến hàng xóm, người quen, 21% liên quan đến người thân trong gia đình. Về phía trẻ em thì ít được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục và kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi các tai nạn, thương tích từ đó các em tham gia vui chơi, tắm ao hồ không có người lớn đi kèm khiến nhiều em đã bị thương tích nghiêm trọng, tử vong do đuối nước; bị người khác dụ dỗ, đe dọa để xâm hại tình dục.
Hiện nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có công nghệ số đang làm cho thế giới thay đổi từng ngày. Xã hội nói chung và trẻ em nói riêng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: Cơ hội được khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức vô tận; thách thức của việc dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh và nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số. Đã có trường hợp, sử dụng mạng xã hội, đối tượng nhắn tin dụ dỗ trẻ bỏ nhà đi theo và bị đối tượng xâm hại tình dục.
Để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số, Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 bắt đầu từ 25-5-2018 – 30-6-2018 với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Tháng hành động vì trẻ em đưa ra các thông điệp như: “Hãy bảo vệ con bạn trước những nguy cơ từ mạng xã hội”; “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”.
Do đó, không chỉ trong Tháng hành động vì trẻ em mà xuyên suốt cả năm, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là các quy định về bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em được phát triển toàn diện. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những hệ quả đang tác động trực tiếp đến trẻ em của công nghệ số; đưa ra những giải pháp cụ thể và thực hiện để bảo vệ trẻ em. Về phía cha mẹ, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với con, không được chủ quan, lơ là, giám sát chặt các hoạt động của con để chăm sóc, định hướng con phát triển toàn diện về thể lực và trí lực, bảo vệ con trước các nguy cơ bị tai nạn, bị xâm hại. Đối với trẻ em, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet, sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả… để tự trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân, bảo vệ mình trước những nguy cơ tai nạn thương tích và xâm hại tình dục.
NGỌC NGUYỄN