Báo động đỏ về bệnh lãng phí
Trong các phiên thảo luận ở tổ, ở hội trường tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng và sự quan tâm sâu sắc về tình trạng lãng phí hiện nay ở nước ta. Bởi một thực tế không thể phủ nhận là ở lĩnh vực nào, địa phương nào, thời điểm nào cũng có thể đưa ra được những con số lãng phí rất lớn. Hơn 10 năm qua, cả nước đã thực hiện đầu tư công 20 cảng quốc tế, 22 sân bay dân dụng, 267 KCN, 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1.757 dự án về các lĩnh vực giao thông, thủy lợi… với tổng mức đầu tư lên tới gần 444.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong số các dự án nêu trên có rất nhiều dự án kém hiệu quả khi đưa vào vận hành, khai thác. Đặc biệt, dự án mới đây nhất được nhiều đại biểu nêu lên như một điển hình về sự phung phí tiền của nhà nước là Dự án nạo vét, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) đội vốn từ 72 tỷ đồng ban đầu lên tới 2.595 tỷ đồng khi thanh quyết toán, lên gấp 36 lần. Ai nghe cũng phải giật mình vì sự “nở nồi” không bình thường tại một dự án mà quy mô ban đầu rất dễ được chấp thuận.
“Hội chứng lãng phí”, “Báo động đỏ về tệ nạn lãng phí”, “Mạnh tay với căn bệnh trầm kha - lãng phí?”… là những cụm từ đã được các đại biểu bức xúc nêu lên trong các ý kiến phát biểu tại kỳ họp Quốc hội lần này, như một lời cảnh báo cần thiết đối với căn bệnh kinh niên mà chưa có phương thuốc đặc trị.
Từ nhiều năm nay, đầu tư công được chỉ ra là lĩnh vực gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng lớn nhất ở nước ta. Điều đó được thể hiện ở các lĩnh vực như: Lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc; lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng; lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai; lãng phí trong quản lý tài sản nhà nước tại các DN... Gần như ở địa phương, lĩnh vực nào cũng xảy ra tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Nhiều công trình được đầu tư vốn hàng trăm tỷ đồng rồi “đắp chiếu”, nhiều trụ sở, văn phòng làm việc được xây dựng hoành tráng cuối cùng chỉ để “làm cảnh”; nhiều “lô đất vàng” của Nhà nước sau một thời gian “chuyển đổi” lại rơi vào tay cá nhân với cái giá rẻ như cho không.
Tình trạng lãng phí của công kéo dài nhiều năm nay, gây thiệt hại không nhỏ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước và gây ra nhiều bức xúc, hệ lụy đối với đời sống xã hội. Mặc dù, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ nhiều năm nay, thế nhưng đến nay vẫn chưa có một cá nhân, một địa phương, một đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai trái, những chủ trương sai lầm dẫn tới những vụ việc lãng phí lớn, vẫn chưa có một vụ việc lãng phí nào được đưa ra xét xử, chưa có một ai bị xử lý về tội danh này.
Bức xúc trước những vấn nạn lãng phí, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lãng phí cũng nguy hiểm như tham nhũng, lãng phí tạo cơ hội cho tham nhũng “đục nước béo cò” và để lại những hậu quả rất lớn đối với đất nước. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, các địa phương, đơn vị cần tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xác định đẩy lùi tệ nạn lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và đặc biệt cần mạnh tay đưa ra xét xử những vụ việc liên quan đến lãng phí giống như xét xử những “đại án tham nhũng”.
Sinh thời, Bác Hồ từng nói lãng phí cũng như tham nhũng, đều là kẻ thù của chúng ta. Cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù đó đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ; các cấp, các ngành, các địa phương và các đơn vị phải thấy đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mình, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
HOÀNG LÊ