Đánh giá cán bộ đúng thực chất
Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, trong bối cảnh sau hai năm rưỡi nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, tại hội nghị lần này, Trung ương đã dân chủ thảo luận và thông qua đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp lãnh đạo chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng; đã có nhiều quyết sách về cán bộ và công tác cán bộ; lãnh đạo và chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các chính sách, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Mặc dù vậy, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cơ cấu giữa các ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội … chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.
Điểm nhấn của Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Làm sao để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác và đúng thực chất là một đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… cán bộ được khách quan, chính xác; ngược lại, nếu đánh giá không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ, đánh giá cán bộ một cách qua loa, không khách quan, không đúng thực chất sẽ dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ không đúng và dẫn đến hâu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Để việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới, các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, nguyên tắc về công tác cán bộ. Đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch. Hoàn thiện và ban hành các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu của công tác cán bộ. Trong đó, cần coi trọng phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác và đúng thực chất.
HOÀNG LÊ