.

Vị thế người thầy

Cập nhật: 17:46, 10/04/2018 (GMT+7)

Gần đây, trong lúc câu chuyện giáo viên phạt học sinh quỳ gối dẫn đến việc phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ xuống xin lỗi vẫn chưa nguôi, thì vụ cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng lại một lần nữa khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Trước đó, những vụ bạo hành trẻ em xảy ra đây đó trong các lớp mầm non tư thục kiểu như vừa cho ăn vừa tát vào mặt trẻ, dội nước liên tục vào mặt khi tắm trẻ, dùng chân đạp trẻ xuống sàn nhà… đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi đưa con đến lớp. Ngoài những hành vi bạo lực của giáo viên đứng lớp, môi trường sư phạm gần đây còn bị nhuốm màu bởi hình ảnh thầy hiệu trưởng nhận hàng trăm triệu đồng tiền “chạy việc” của giáo viên…

Chưa bao giờ ngành giáo dục lại dồn dập những cơn “địa chấn” đáng buồn như vừa qua. Cũng chưa bao giờ sự trong sáng, lòng tự hào cũng như thanh danh nhà giáo bị lung lay đến thế!

Sau cơn “địa chấn” người ta lo ngại xã hội sẽ không còn giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo”; sẽ không còn hình ảnh người thầy tận tụy, nhẫn nại, bao dung đáng kính; thầy cô giáo không còn là tấm gương để học sinh soi rọi, tu dưỡng nhân cách.

Những lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở và sẽ là điều tai hại nếu như chúng ta tiếp tục lãng quên và cho qua những sự cố đáng báo động trong ngành giáo dục.  Vì tương lai của đất nước, xã hội đòi hỏi ngành giáo dục nghiêm túc nhìn nhận một cách đầy đủ, trung thực mọi vấn đề. Cần có một cuộc mổ xẻ thật kỹ, thật sâu để hiểu rõ căn nguyên sâu xa của những hành vi phản sư phạm, hoặc tiêu cực trong nhà trường. Không nên suy diễn theo kiểu quy chụp hoặc bôi đen dẫn đến bi quan, chán nản và coi thường địa vị đáng tôn kính của người thầy. Càng không nên tặc lưỡi cho qua, coi đó là những hạt sạn nhỏ không đáng quan tâm.

Việc trước tiên là cần xem lại phương pháp sư phạm hiện nay liệu có quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt; giáo viên có gò bó, áp đặt tư duy, gây áp lực và làm mất đi tính sáng tạo, năng động của học sinh? Giáo viên đã làm tròn trách nhiệm người thầy, khi cần thiết phải biết gần gũi, chia sẻ để thấu hiểu tâm lý học sinh? Những áp lực từ việc chạy đua thành tích, đời sống vật chất, tinh thần, sự đố kỵ trong tập thể giáo viên... phải chăng cũng là những yếu tố dễ dẫn đến xung đột trong nhà trường.

Về phía gia đình, phụ huynh có thật sự tin tưởng và sát cánh cùng nhà trường trong việc dạy dỗ con em; Có đủ sự cảm thông và chia sẻ với thầy cô trong những tình huống xảy ra; Có khẳng khái nhận một phần trách nhiệm trong việc dạy dỗ con em mình khi xảy ra những xung đột giữa thầy cô và học sinh trong nhà trường…?

Cuối cùng là trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc đào tạo và quản lý những người thầy đứng trên bục giảng. Liệu có bảo đảm chất lượng chăng với một thế hệ thầy cô giáo được tuyển sinh vào ngành một cách ồ ạt, đến khi ra trường phải dùng tiền để “chạy việc” để rồi hàng tháng nhận mức lương không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình? Liệu có bảo đảm một sự ổn định tư tưởng, tâm lý khi trong cùng một môi trường làm việc nhưng có người kiếm được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ “dạy thêm chui”, có người quanh năm chỉ gói ghém với đồng lương còm cõi vì dạy những môn chẳng ai cần học thêm? Nhà giáo quanh năm đứng lớp chẳng mấy khi được bồi dưỡng kiến thức về quyền trẻ em, quyền con người, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quản trị lớp học.

Nhiều người cho rằng, trước mắt cũng như lâu dài, ngành giáo dục cần bố trí các chuyên gia tư vấn giáo dục học đường để trợ giúp giáo viên và học sinh khi cần thiết. Và cũng đã đến lúc cần một sự chuyển biến thực chất trong ngành giáo dục mới mong đưa người thầy về đúng vị thế xứng đáng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” để họ tự tin, vững bước theo đuổi sự nghiệp trồng người.

LAM PHƯƠNG

 

.
.
.