.

Vượt qua định kiến

Cập nhật: 17:05, 01/04/2018 (GMT+7)

Tuần rồi, nhân chia sẻ chuyện một nữ sinh lớp 8 ở Thanh Hóa quan hệ tình cảm với bạn nam học cùng lớp dẫn đến mang bầu và sinh hạ một bé gái nặng 3,2kg, một bác sĩ sản khoa gợi ý chúng tôi nên có “một cái nhìn” về nạn nạo phá thai trong giới trẻ, một vấn đề mà theo ông đã đến hồi báo động. 

Tại một cuộc hội thảo về vấn đề sức khỏe sinh sản và vị thành niên ở Việt Nam (VN) do Viện khoa học xã hội VN, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho biết tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên VN cao hơn nhiều nước trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới. Hàng năm, khoảng 300.000 nữ giới từ 12-19 tuổi phá thai, 20-30% ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% là sinh viên. Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em gái ở lứa tuổi 12 có nhu cầu phá thai ngày càng tăng. Tình dục ở giới trẻ được cởi mở hơn, quan niệm tình dục trước hôn nhân đã thay đổi trong khi các em lại hiểu biết rất mù mờ về giới tính, không có kiến thức gì về các biện pháp phòng tránh thai đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho giới trẻ. 

Thủng tử cung, băng huyết, vô sinh, nhiễm trùng và có thể bị tử vong, sang chấn tâm lý nặng nề là những hậu quả trước mắt và lâu dài của việc nạo phá thai ở giới trẻ. Để giảm bớt tình trạng này, các chuyên gia tâm lý và xã hội đã đề xuất tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các bạn trẻ. “Công tác truyền thông” ở đây chính là vấn đề giáo dục giới  tính - nhằm giúp các em có kiến thức về an toàn tình dục, về sức khỏe sinh sản, hướng các bạn trẻ đến thái độ sống,  giá trị sống mang tính văn hóa, qua đó giúp các bạn nâng cao ý thức bảo vệ giá trị bản thân và tăng sức đề kháng trước những cạm bẫy. 

Khách quan mà nói, thời gian qua công tác giáo dục giới tính trong nhà trường tuy có được triển khai nhưng vẫn còn hời hợt, thiếu chuyên sâu. Trong chương trình giáo dục hiện hành, nội dung giáo dục giới tính chưa được tách bạch thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác như “sức khỏe” hay “sinh học”. Đó là chưa nói đến nhiều trường chưa thực sự xem trọng nội dung này dẫn đến cách thức tiếp cận, tổ chức các nội dung giáo dục giới tính chưa đồng bộ, thống nhất, không ít giáo viên đứng lớp còn ngại ngùng, lúng túng khi truyền thụ các kiến thức về giới tính, nhất là khi nói đến cơ quan sinh dục, cơ chế sinh sản, giao hợp, sự thụ tinh. Nhiều phụ huynh vẫn xem giáo dục giới tính là chuyện nhạy cảm nên cũng ngại dạy cho con. Trong khi sách báo, phim ảnh khiêu dâm “thập diện mai phục”, quan điểm yêu cuồng sống vội, sống thử chiếm thế áp đảo trong quan điểm của số đông bạn trẻ, việc “yêu là cho tất cả” xảy ra là điều tất yếu. Trong bối cảnh thiếu kiến thức cơ bản về giới tính, về an toàn tình dục, việc nạo phá thai đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. 

Lâu nay trong không ít người có một định kiến là cung cấp cho giới trẻ kiến thức về giới tính, về sức khỏe tình dục là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng thật ra không vẽ đường thì “hươu” vẫn cứ chạy và chạy không định hướng, vậy nên trách nhiệm của nhà trường, các bậc cha mẹ là cần vẽ đường cho “hươu” chạy đúng. Với ý nghĩa đó, công tác giáo dục giới tính cần phải được nhà trường, gia đình và xã hội chú trọng hơn nữa. Được quan tâm chia sẻ, hướng dẫn một cách đầy đủ và thẳng thắn về giới tính, về khả năng tự chịu trách nhiệm trước hành vi tình dục của bản thân, chắc chắn các em sẽ biết chọn cho mình một tình yêu trong sáng, lành mạnh, có quan niệm đúng đắn về tình dục và tình yêu, tránh cho cha mẹ những nỗi đau bàng hoàng cũng như bản thân mình phải gánh lấy những hậu quả khôn lường của việc nạo phá thai, nhất là những sang chấn tâm lý trầm trọng ảnh hưởng tới học hành, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình sau này. 

Hãy chuyển đến các em một thông điệp: “Hãy sống thật trong sáng đúng với lứa tuổi của mình, hãy biết tự kiềm chế bản thân!”.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.