Nghĩ cách để du khách tiêu tiền
Một thông tin vừa đăng tải trên báo chí thu hút sự chú ý của những ai quan tâm đến lĩnh vực du lịch của nước nhà: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm 2016. Với kết quả này, có thể coi ngành du lịch đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao.
Tiếc là, khách đến đông nhưng chi tiêu lại ít!
Khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, trong tổng số chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam thì chi tiêu cho mua sắm - một trong những hình thức chi tiêu chính còn khá thấp, trung bình chỉ 16,6%, trong khi con số tương ứng ở Thái Lan là 19,6%, ở Singapore là 22,3%.
Thông thường, khi đi du lịch đến một đất nước nào đó, dù tằn tiện đến mấy, du khách vẫn vui vẻ chi tiền nếu bắt gặp một món hàng ấn tượng, giá mềm hoặc được “cháy hết mình” trong một sân chơi độc đáo, một chương trình giải trí đặc sắc. Họ cũng không ngần ngại móc hầu bao nếu được thưởng thức một món ăn lạ và ngon.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an từng chia sẻ tại Quốc hội rằng, khách quốc tế vào VN có khi chỉ xài 5-7USD/ngày, chủ yếu là mua chai nước, bánh mì, thuê xe máy, xe đạp để giong ruổi đó đây. Ngoài ra không biết mua gì, chơi gì bởi những sản phẩm mà họ trông thấy không hấp dẫn, bắt mắt.
Nhiều du khách quốc tế “hóm hỉnh” nói du lịch VN chưa tạo cơ hội cho họ xài tiền. Muốn tìm một cái gì đó đặc trưng của VN để về làm kỷ niệm, ghi nhớ chuyến rất không dễ; Thị trường hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm thì nghèo nàn, đơn điệu, thiếu tính đặc trưng của vùng đất mà họ đến tham quan. Buổi tối không biết làm gì, xem gì, đi đâu ngoài... ngủ.
Mức chi tiêu 5-7 USD/ngày như Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ là điều đáng suy nghĩ đối với những người làm du lịch nước ta. Với thời giá hiện nay, có thể thấy du khách chẳng mua được gì ngoài chi phí cho một vài nhu cầu thiết yếu. Có nghĩa là quà lưu niệm, đặc sản địa phương.v.v… không có nhiều trong ba lô du khách khi họ rời VN. Đó là chưa nói đến nạn “chặt chém”, đeo bám, chèo kéo bán hàng rong, ăn xin quấy nhiễu, cướp giật, xâm hại tài sản, thân thể du khách… không chỉ làm mất hình ảnh thân thiện của du lịch VN mà còn làm du khách chần chừ, e ngại hơn khi rút ví tiêu xài.
Làm sao để du khách quốc tế ở lại lâu hơn, xài tiền nhiều hơn là một câu hỏi khó. Nhiều chuyện gia kinh tế, lãnh đạo các DN lữ hành giàu kinh nghiệm đã đề xuất nhiều giải pháp để kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến VN: Nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an ninh trật tự, tạo cho du khách cảm giác và niềm tin “VN là một điểm đến thân thiện, an toàn”, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đầu tư xây dựng những trung tâm mua sắm cho người nước ngoài, bày bán nhiều sản hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm đậm bản sắc Việt. Những giải pháp đó đều có tính khả thi nhưng để phát huy hiệu quả, thực sự tạo ra dấu ấn cần phải có thời gian.
Việt Nam kỳ vọng trong 3 năm tới, ngành du lịch thu hút được 20 triệu lượt khách quốc tế, giá trị xuất khẩu du lịch trên 20 tỷ USD. Trung bình mỗi khách khi đến VN đạt mức chi tiêu 1.000 USD. Đạt được mục tiêu đó, ngành “công nghiệp không khói” không chỉ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách mà còn góp phần tạo việc làm cho các tầng lớp dân cư. Những con số về mức chi tiêu của khách du lịch do Tổ chức Du lịch thế giới công bố là một cú “hích” để các các đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch “giật mình nhìn lại” và có sự điều chỉnh nhằm thu hút nhiều du khách đến với mình hơn trong những năm tới. Kết quả này cũng là cơ sở để ngành du lịch xây dựng chiến lược phát triển ngành, trong đó có vấn đề liên thông liên kết giữa các công ty dịch vụ nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, lạ, độc đáo, hấp dẫn nhằm giữ chân du khách, tạo điều kiện để họ… xài tiền.
NGUYỄN TRIỆU HẢI