.

Chuyện ở quán ăn

Cập nhật: 19:32, 03/04/2018 (GMT+7)

Một tối, tôi vào quán TG trên đường Lê Hồng Phong (TP.Vũng Tàu) khi khách đã vãn. Nhưng có 3 dãy bàn, mỗi dãy hơn hai chục người, không khí ăn uống đang rất vui vẻ. Các dãy đều có giỏ hoa và bánh kem; hôm ấy quán TG được nhiều người đặt tiệc sinh nhật. 

Nhìn họ, tôi đố mình đoán xem bàn sinh nhật này của ai, bàn kia của ai. Chiếc bánh kem chút xíu chắc là của đám thôi nôi cháu bé đang ngủ trên tay mẹ. Giỏ hoa là của chàng trai tặng cô vợ trẻ đứng cạnh đang xúng xính váy áo… Trong khi đám trẻ cười nói vô tư, những phụ huynh 60-70 tuổi lại đôi lúc ra chiều nghĩ ngợi. Có thể các bác chạnh nhớ quãng đời nuôi con khó nhọc thời trước đổi mới, để bây giờ hả hê vì thấy con cháu no đủ quá, sướng quá. Con hơn cha là nhà có phúc; người già hay “ôn cổ tri tân”!

Khi mấy chục người từ các bàn tiệc sinh nhật ra về ngang chỗ tôi đang ngồi, tôi chợt nghĩ lẩn thẩn về cái điều rất hiển nhiên rằng, hôm nay họ có mặt ở đây vì là người cùng một gia đình, là ông bà, cha mẹ, anh chị, cháu chắt của nhau; họ đến mừng ngày vui của một thành viên trong gia đình ấy của họ…

Các gia đình thường có những thói quen. Đi ăn nhà hàng với nhau như thế này mỗi khi có dịp là một thói quen tốt, vì nó làm tăng sự kết nối tình cảm trong gia đình.

Tự nhiên tôi thấy vui lây. Cũng nhớ cảnh hồi các con còn nhỏ, những buổi trưa bị cúp điện, chúng reo hò ầm ĩ vì biết chắc được bố mẹ dẫn ra ăn ở quán. Cơm bình dân thôi, mà chúng mặt mày rạng rỡ, ăn rào rào như chưa bao giờ được ăn; rồi về khoe với bọn trẻ trong xóm: “Nhà tao mới đi ăn quán về!” Chỉ là bữa ăn thôi, mà chúng như được nhận một phần thưởng lớn, còn chúng tôi thì mỉm cười trong hạnh phúc lặng lẽ… 

Tuy nhiên, so với ăn quán ăn hàng, thì bữa cơm hàng ngày ở nhà rất quan trọng. Nó là lúc cả nhà gặp gỡ, trò chuyện, là không gian yên vui để mọi người tìm về, là dịp người phụ nữ dành mọi sự quan tâm, chăm sóc cho những người mình yêu thương… Do bận làm thêm việc, thêm giờ, do không biết nấu ăn hay… làm biếng, bây giờ nhiều nhà thay cơm gia đình bằng “cơm đường cháo chợ”, mỗi người mạnh ai nấy ăn. Thật sự là không ổn! Không phải vì lo thức ăn ngoài đường không vệ sinh, hại sức khỏe, mà lo lối ăn uống ấy làm nhạt đi giá trị của bữa ăn gia đình, từ đó làm phai ngọn lửa của hạnh phúc. 

Có lần tôi đọc một tài liệu nói năm 1990, bà Barbara Bush - đệ nhất phu nhân nước Mỹ, phát biểu với sinh viên Trường cao đẳng Wellesley: “Đến cuối đời, bạn sẽ không phải hối tiếc nếu không đỗ thêm một kỳ thi, không thắng một vụ kiện, hay không kết thúc thêm một thương vụ. Nhưng bạn sẽ hối tiếc vì đã không dành thời gian cho vợ/chồng, con cái hay cha mẹ mình”. Bà nhấn mạnh: “Thành công của xã hội Mỹ không dựa trên những gì diễn ra trong Nhà Trắng, mà dựa trên những gì xảy ra trong mỗi gia đình của chúng ta!” Trên thế giới, các nước càng phát triển càng đề cao vai trò của gia đình, đề cao việc chăm sóc, bảo vệ gia đình. 

Có nhiều cách bảo vệ, nhưng trở lại bối cảnh của bài viết này, xin nói hiện nay, ngoài việc chăm chút bữa ăn ở nhà, thì đi du lịch cùng nhau đang là cách được nhiều gia đình lựa chọn.

Tôi lại mượn lời của Hae Min - vị Đại đức người Hàn Quốc, nhắn nhủ trong cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” (NXB Hội Nhà văn) rằng: 

“Trước khi các con bạn trưởng thành,

Trước khi cha mẹ bạn quá già,

Hãy đi du lịch cùng cả gia đình nhiều hơn.

Dù gia đình cùng sống một nhà, ngày nào cũng gặp nhau

Nhưng vì những bộn bề cuộc sống

Chúng ta thường không thể quan tâm nhau đúng mực.

Sự lạ lẫm của những chuyến du lịch 

Sẽ làm gia đình gần nhau hơn

Và trò chuyện cùng nhau nhiều hơn”.

Quả đúng như thế. Tôi nhớ lần đầu tiên đưa các con ra Bắc thăm quê, kết hợp đi du lịch. Khi ấy các con đã lớn; chúng giành phần lên mạng săn vé máy bay, chọn tour, đặt khách sạn, thuê xe ô tô, chăm chút bữa ăn giấc ngủ của cha mẹ suốt dọc đường… Khi về quê, chúng lại lạ lẫm hỏi chúng tôi cách phân biệt bò với trâu,  về các món ăn đồng nội, cùng mẹ đi chợ đầu làng với các mợ các dì, thẹn thùng với ánh nhìn và lời hỏi thăm của người làng. Những trải nghiệm đó không tự nhiên mà có. Chuyến đi làm gia đình tôi hiểu và thương yêu nhau nhiều đến thế nào! 

Những thói quen tốt làm nên các truyền thống. Nếu duy trì được thói quen ăn cơm ở nhà, thi thoảng đi ăn nhà hàng và mỗi năm đi du lịch cùng nhau, thì gia đình bạn đã lập nên một truyền thống có ý nghĩa gắn kết tình cảm gia đình bền vững.

HẢI THANH

.
.
.