.

Cải tiến tư vấn hướng nghiệp

Cập nhật: 18:19, 30/03/2018 (GMT+7)

Mới đây, một sinh viên năm thứ 4 khoa kinh tế và phát triển nông thôn đã lên facebook than rằng: “Không biết công việc gì sẽ phù hợp với chuyên môn của mình sau khi tốt nghiệp ra trường?”. Đã hơn một lần tôi bắt gặp những băn khoăn như vậy ở các sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học môi trường và hệ thống thông tin môi trường, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật thông tin lâm nghiệp… Điều đáng nói những “lấn cấn”, băn khoăn này của các sinh viên xuất hiện ngày càng nhiều trong bối cảnh công tác hướng nghiệp đã được đẩy mạnh trong các trường THPT. Nó cho thấy công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường còn những “khoảng trống”, chưa thật sâu sát, thiết thực với các em học sinh (HS). 

Việc mở các ngành nghề đào tạo mới xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều em HS đã không được định hướng nghề nghiệp sớm nên hiểu biết rất mơ hồ về các ngành nghề trước khi nộp đơn thi vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Không ít HS đã thừa nhận rằng mình chỉ chọn ngành nghề học vào phút… 89 do biết quá ít về các nghề nghiệp trong xã hội. 

Việc lựa chọn ngành nghề thường dựa trên cơ sở khoa học, nghĩa là sự lựa chọn đó phải phù hợp với sở thích, năng lực HS chứ không xuất phát từ mô đen “thời thượng” hoặc theo cảm tính, nếp nghĩ của bè bạn, gia đình. Trớ trêu thay, nhiều em lại nộp đơn thi vào các ngành không phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Đó là một lãng phí lớn: Lãng phí thời gian, tiền bạc, chất xám và nó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trong lực lượng lao động ở nước ta, làm cho nguồn lực nước ta rơi vào nghịch lý thiếu mà thừa, thừa mà thiếu. Thiếu công nhân kỹ thuật và thừa người có trình độ ĐH, và ngay trong bậc ĐH cũng có hiện tượng thừa ở ngành này lại thiếu ở ngành khác. 

Những năm gần đây, trước các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, giới truyền thông đã tham gia khá tích cực trong việc tư vấn tuyển sinh, giới thiệu các ngành nghề cho các em tham khảo, tạo nên một kênh thông tin mới bổ sung khiếm khuyết vấn đề hướng nghiệp trong nhà trường. Các cơ quan báo chí đã phối hợp với các trường, tổ chức những ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, chương trình tư vấn hướng nghiệp với nhiều nội dung phong phú.  Ngoài chương trình tư vấn tuyển sinh chung, các em HS còn được tư vấn trực tiếp tại gian hàng tư vấn của các trường ĐH-CĐ. Qua đó, đã kịp thời chuyển tải nhiều thông tin tư vấn, những câu chuyện hướng nghiệp hiệu quả,  thiết thực đến các em HS và phụ huynh. Một hai năm trở lại đây, công tác tư vấn hướng nghiệp còn đưa vào những hoạt động tương tác sinh động hấp dẫn: Bố trí các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động xã hội cũng như giảng dạy ở các trường ĐH phân tích sâu sắc về ngành nghề,  tương lai việc làm của từng lĩnh vực đào tạo, giúp các em có cơ sở dữ liệu để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường; Cho các em HS làm trắc nghiệm tin học về khám phá nghề nghiệp qua tính cách. Các hoạt động này đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo cơ hội cho nhiều HS chọn hướng vào đời, vừa đóng góp, phục vụ xã hội, chăm lo cuộc sống gia đình vừa góp phần điều tiết cơ cấu nguồn nhân lực ở nước ta. Dẫu vậy, các bậc phụ huynh và các em HS vẫn muốn biết liệu chúng ta có thể làm tốt hơn nữa hay không, cung cấp cho các em nhiều hơn nữa các thông tin quý báu có ảnh hưởng đến việc quyết định tương lai cả đời các em?

Trong lúc chờ đợi sự ra đời của một cơ quan chuyên trách tư vấn hướng nghiệp, các bậc phụ huynh và nhất là các em HS mong các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục một công việc đầy ý nghĩa đã và đang làm rất hiệu quả: Giúp các bậc phụ huynh nhận thức được rằng hướng nghiệp là để tư vấn, định hướng chứ không thể ép buộc, mặt khác giúp các em HS lựa chọn được một ngành nghề mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực sở trường. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.