Tăng cường thanh tra nợ BHXH
Thời gian qua, nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngành BHXH đã thực hiện việc định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ, yêu cầu trong thời hạn 15 ngày phải trả nợ. Đồng thời, BHXH các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt và cung cấp số liệu, danh sách đơn vị nợ cho tổ chức công đoàn, phục vụ công tác khởi kiện. Nhờ đó, công tác thu hồi nợ BHXH đã có những chuyển biến tích cực.
Sau 2 năm (từ tháng 4-2016) thực hiện việc giao quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, kết quả thu hồi nợ BHXH đã đạt hơn 65%. Sau khi bị khởi kiện, có khoảng 30% số DN thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% số DN chấp nhận để thụ lý vụ án, còn lại khoảng 30% số DN chây ì, trốn đóng, nợ đọng. Kết quả cho thấy, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt và khởi kiện là những giải pháp có hiệu quả đối với những DN cố tình vi phạm .
Tuy nhiên, việc khởi kiện và thi hành án đối với những DN nợ đọng BHXH hiện vẫn gặp khó khăn do nhiều chủ DN bỏ trốn, DN chuyển nhượng cho đối tác cùng số nợ, DN không có nguồn tài sản hoặc tài sản chủ yếu là đi thuê. Tình trạng truy thu cũng gặp nhiều khó khăn do người lao động nghỉ việc, DN không lưu giữ hồ sơ tuyển dụng…
Việc DN tham gia đóng BHXH đầy đủ sẽ giúp người lao động được hưởng các quyền lợi khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp… Mặc dù vậy, không ít DN trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 2-2018, tổng số nợ đóng BHXH trên địa bàn cả nước lên tới gần 12.960 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH gần 10.000 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh BR-VT, tổng số nợ đóng BHXH đến cuối tháng 2 là 343,47 tỷ đồng; bao gồm, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): 14,55 tỷ đồng, nợ BHYT: 65,37 tỷ đồng và nợ BHXH: 263,53 tỷ đồng (nợ dưới 1 tháng: 0,047 tỷ đồng, nợ từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng: 140,22 tỷ đồng và nợ từ 6 tháng trở lên: 123,26 tỷ đồng).
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, phần lớn các DN cho rằng do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nhiều DN đảm nhận các công trình có nguồn vốn từ ngân sách, nhưng chậm được thanh toán, dẫn đến việc không có tiền trả lương cho người lao động và đóng BHXH. Kết quả giám sát cho thấy, nhiều DN cố tình chây ì, nợ BHXH để sử dụng nguồn tiền này làm vốn sản xuất, kinh doanh. Có đơn vị trốn đóng hoặc đóng không đúng với số lượng lao động thực tế đang sử dụng. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động về các chính sách bảo hiểm còn hạn chế, thậm chí có không ít người lao động tự thỏa thuận với chủ DN để nhận tiền trực tiếp thay vì đóng bảo hiểm.
BHXH là chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, các cấp, các ngành cần tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, giúp người lao động hiểu biết về các chính sách bảo hiểm và tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, ngành BHXH cần chủ động thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt các DN trốn đóng, nợ đọng BHXH; kịp thời cung cấp số liệu cho tổ chức công đoàn, cơ quan công an, tòa án… phục vụ công tác khởi kiện; và tùy theo mức độ vi phạm để xử lý hình sự (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018) đối với các tội danh trốn đóng, nợ đọng BHXH.
HOÀNG LÊ