Một lần làm "hướng dẫn viên"
Mấy người quen ngoài Hà Nội vào Vũng Tàu du lịch nhờ tôi tư vấn nên đến nghỉ ở chỗ nào, đi chơi những đâu, có món ăn gì đặc sắc cần thưởng thức, v.v… Là dân Vũng Tàu, có thể bạn cũng từng có dịp làm một “hướng dẫn viên” như thế, và hôm đó, tôi cảm thấy vui khi đã làm khá tròn vai.
Chắc có bạn sẽ bảo, điều đó có ý nghĩa gì đâu, vì lên Internet là du khách tìm thấy ngay những thứ họ cần. Đúng thế, nhưng tôi nghĩ đó là cách giao tiếp với cái máy, lạnh lẽo và không có cảm xúc. Còn chỉ dẫn của bạn và tôi là những thông tin đã được một con người sống ở nơi đây kiểm chứng - người ấy đã ăn thấy ngon, ở thấy thích… thì du khách cảm thấy thông tin ấy là thân thiện, tin cậy.
Nhưng, muốn chỉ dẫn được cho khách, trước hết bạn phải là người có nhiều trải nghiệm trong vai trò người đi du lịch tại chỗ ở BR-VT. Du lịch không có nghĩa cứ phải đi khỏi nơi cư trú, mà một buổi dã ngoại để khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp của các địa điểm trên địa bàn tỉnh cũng là du lịch. BR-VT có nhiều điểm để mọi người dân có thể du lịch tại chỗ mà không phải mất nhiều tiền và thời gian. Ngoài những danh thắng đã nổi tiếng nhưng quen thuộc, bây giờ có nhiều địa chỉ mới được du khách trẻ phát hiện và phổ biến với nhau qua mạng xã hội, rất có sức thu hút đối với họ - như những vườn hoa ở Bà Rịa, cánh đồng cừu ở Châu Đức, đồi Con Heo trên núi Nhỏ hay Cổng Trời ở mũi Nghinh Phong (Vũng Tàu)… Du lịch tại chỗ vừa làm phong phú tri thức của ta, làm giàu tình yêu của ta với quê hương BR-VT, vừa chuẩn bị cho ta cái vốn bỏ túi để mách bảo người này người kia khi được họ hỏi đến.
Tương tự như vậy là với du lịch nội địa. Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, một người nếu dành cả đời đi du lịch trong nước cũng chưa hết thú vị. Tôi đọc một tài liệu nói hiện nay ngày càng có nhiều người Việt Nam thích đi du lịch. Nielsen VN - công ty chuyên đo lường niềm tin và hành vi của người tiêu dùng, hồi quý III-2017 làm một khảo sát và cho biết, cứ 5 người Việt Nam được hỏi thì có 2 người trả lời họ sẽ đi du lịch sau khi đã chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu. Tỷ lệ này là 44%, tăng 6% so với quý trước. Người Việt Nam đi du lịch trong nước là chính. Theo Tổng cục Du lịch, từ năm 2010 đến 2017, lượng khách du lịch trong nước không ngừng tăng, mức tăng thấp nhất là 7,7% (năm 2013), cao nhất 48% (năm 2015). Năm 2010 có 28 triệu lượt khách nội địa, năm 2017 con số này là 73,2 triệu - nhiều gấp 2,7 lần. Nếu đạt 82 triệu lượt vào năm 2020 như dự báo, thì trong 10 năm từ 2010 - 2020, số người Việt Nam đi du lịch trong nước tăng gấp 3 lần; mỗi năm thị trường du lịch nội địa đều có hàng triệu khách hàng mới là những người Việt lần đầu tiên đi du lịch. Ai dám nói là du lịch nội địa không hấp dẫn? “Bụt chùa nhà” vẫn rất thiêng đó thôi!
Nếu trải nghiệm nhiều với du lịch nội tỉnh, bạn có nhiều cơ hội làm “hướng dẫn viên” du lịch cho người thân, bạn bè khi họ tới BR-VT. Còn đi du lịch trong nước nhiều, tuy cơ hội làm hướng dẫn cho một người nước ngoài khi họ đến VN cũng hiếm hoi, nhưng bạn sẽ thấy hạnh phúc, yêu đời, yêu những người xung quanh, yêu đất nước mình hơn; và đó là điều cốt yếu.
Vấn đề là phải làm cho các tour du lịch nội địa có nhiều sản phẩm phong phú, nhiều chương trình giải trí, vui chơi, mua sắm, chất lượng dịch vụ tốt, giá tour tương đối ổn định, ít tăng giá theo mùa, v.v … Lâu nay, việc giá tour nội đắt không kém gì tour ngoại, trong khi chất lượng dịch vụ lại thăng giáng thất thường… vẫn là nguyên nhân chính làm cho du khách Việt kém hài lòng với tour nội địa.
HẢI THANH