.

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách

Cập nhật: 10:16, 30/03/2018 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng và các ứng dụng khác từ mạng Internet, facebook, youtube, tưởng chừng như người đọc không còn thời gian dành cho việc đọc sách và không còn đam mê với tình yêu sách như trước đây.

Mặc dù vậy, với việc các địa phương trong nước, như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng… bằng những hoạt động tích cực trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách, mở “Đường sách”, “Hội sách”, “Chợ sách”… bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ; chứng tỏ, tình yêu sách vẫn luôn hiện hữu. Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần thứ X (từ ngày 19 đến 25-3) đã bế mạc trong niềm vui của các nhà tổ chức khi đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng, thu hút hơn 1 triệu lượt bạn đọc, tăng 10% so với Hội sách lần thứ IX là minh chứng. Trong bối cảnh sức hút của sách đối với độc giả Việt Nam đã và đang bị chững lại, thì những số liệu nêu trên là tín hiệu đáng mừng về tình yêu sách và văn hóa đọc sách của người Việt.

Tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học, diễn ra trong một thời gian khá dài, ở nhiều thành phần xã hội và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Với giới trẻ, kể cả học sinh phổ thông, tình yêu đối với sách và văn hóa đọc ngày càng có xu hướng giảm. Theo số liệu của một cuộc khảo sát mới đây, có đến 38% số người được hỏi trả lời đọc sách văn học dưới 30 phút mỗi ngày, 17% số người đọc sách từ 30-90 phút/ngày, còn trên 2 giờ chỉ ở mức gần 10% . Trong đó, nhóm đọc sách ở khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn so với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc đọc sách chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là sinh viên, các nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường có liên quan. Do sự tiện lợi của các thiết bị điện tử, xu hướng người đọc chuyển từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe - nhìn tăng theo cấp số nhân. Một số người đọc thích đọc truyện ngắn và truyện tranh hơn, bởi dễ hiểu và đọc nhanh hơn là những cuốn sách dày, nhiều tập, nặng tính lý luận và tính văn học. Mặt khác, người đọc cũng có trào lưu “chạy theo” tâm lý đám đông, theo các chiêu PR, quảng bá từ các nhà xuất bản, phát hành sách. Nguy hại hơn, một số độc giả có sở thích tìm đọc những cuốn sách “cấm”, bị đình bản để thỏa mãn tính tò mò, hơn là đọc các cuốn sách để trau dồi tri thức. Hệ lụy của việc ít đọc, ít cập nhật thông tin qua sách báo dẫn tới kết quả là vốn văn chương của lớp trẻ, kể cả học sinh phổ thông được cho là “cạn”. Đó là nguồn cơn của những câu văn ngô nghê, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” về kiến thức văn học trong các bài thi tốt nghiệp.

Trong đời sống tinh thần, sách đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói, sách là nguồn tri thức vô biên, là người bạn của mọi lứa tuổi. Từ thực tế “Đường sách Vũng Tàu” chỉ khởi sắc trong những ngày Tết Mậu Tuất, còn hiện tại đang rơi vào cảnh đìu hiu; nhiều thư viện cấp huyện, cấp tỉnh được xây dựng khang trang, thường xuyên được bổ sung những đầu sách mới, nhưng số lượng bạn đọc chưa tương xứng với công sức đầu tư cho thấy, việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách là một việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các lĩnh vực.

Một trong những giải pháp quan trọng là tạo môi trường đọc thân thiện và tạo hứng thú với bạn đọc thông qua các hoạt động giao lưu, ký tặng sách với các tác giả, nhà xuất bản. Các thư viện cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại; hỗ trợ tạo dựng thói quen đọc sách tại thư viện và xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng. Nhà trường cần tích cực đổi mới phương pháp dạy và học môn Văn, xây dựng thói quen đọc, kỹ năng đọc như một môn học cần thiết ở các cấp học. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường và triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sách, thu hút bạn đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các chương trình: ngày đọc sách, tuần đọc sách, thi kể chuyện theo sách...

HOÀNG LÊ

.
.
.