Tham vấn công chúng: Phải thực chất!
Tham vấn công chúng hay còn gọi là lấy ý kiến nhân dân là một quy trình lập pháp được thể chế hóa tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đây là một đòi hỏi mang tính chất bắt buộc, nếu thực hiện một cách nghiêm túc, đúng thực chất sẽ làm cho chính sách, pháp luật khi được ban hành đi vào cuộc sống thuận lợi, dễ dàng.
Công tác tham vấn nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ khiến cho người dân tin tưởng, tích cực đóng góp ý kiến của mình về các vấn đề quốc kế dân sinh, giúp chính quyền, cơ quan chức năng thu thập thông tin, kiểm chứng, chắt lọc, điều chỉnh việc thiết kế chủ trương, chính sách gần với cuộc sống hơn, mặt khác nâng chính sách lên tầm nhìn xa hơn, bao quát hơn.
Đáng tiếc thời gian qua, số văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, xa rời cuộc sống, cá biệt có văn bản phạm luật xuất hiện ngày càng nhiều, tạo ra những tác động ngược trong đời sống xã hội, khiến các đối tượng thực thi không thể thi hành. Không khó để liệt kê các văn bản pháp luật “oái oăm” như thế: Cấm bán rượu bia trên vỉa hè, ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ, xử phạt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng và mới đây nhất là việc Bộ Y tế đưa ra dự thảo quy định “ngực lép, răng vẫu” không được lái tàu hỏa… Nguyên nhân thì có nhiều nhưng quan trọng nhất được chỉ ra đó là việc tham vấn, lấy ý kiến người dân trước khi ban hành văn bản pháp luật chưa được coi trọng, thậm chí bị phớt lờ.
Mỗi chủ trương, chính sách của chính quyền, các bộ ngành chức năng đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vì vậy cần phải tham vấn ý kiến của họ và giới chuyên môn, có như thế chính sách mới đi vào cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả. Việc tham vấn có thể tiến hành thông qua việc góp ý với hệ thống MTTQ, với các cơ quan dân cử tại những buổi tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, website của chính quyền, các ban ngành đoàn thể hoặc tiếp xúc trực tiếp người dân; Tổ chức hội thảo, tọa đàm với các nhóm đối tượng hẹp như các chuyên gia, các nhà khoa học, điều tra dư luận xã hội.v.v…
Một bộ máy công quyền xem trọng và đề cao công tác tham vấn công chúng, vai trò phản biện của giới chuyên môn sẽ hạn chế tối đa sai lầm của các quyết định từ nhà quản lý. Trên nguyên tắc, các cơ quan quản lý nhà nước phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến người dân từ nhiều góc độ, dù cho ý kiến đó trái ngược với mong muốn của mình. Nếu việc tham vấn mang tính chiếu lệ, sau đó vẫn cứ làm theo ý chủ quan của mình thì chính sách hoạch định ra không phản ánh lợi ích của người dân. Thế nhưng, trước không ít chủ trương, chính sách do các bộ ngành chức năng ban hành, người dân đã không có cơ hội để nói lên tiếng nói của chính mình. Họ luôn bị đặt trong tình thế đã rồi. Nếu tình trạng này kéo dài thì chẳng ai còn muốn đóng góp ý kiến hoặc phản biện nữa!
Tham vấn công chúng trong quá trình xây dựng luật là biện pháp không thể thiếu để văn bản pháp luật có tính khả thi, được các đối tượng chịu tác động đồng tình, tự giác thi hành. Nhưng tham vấn công chúng như thế nào cho hiệu quả còn tùy thuộc vào năng lực tổ chức tham vấn, chọn đối tượng tham vấn, thời điểm tiến hành tham vấn, đặc biệt là việc tiếp thu, phản hồi tham vấn hiện đang là khâu yếu nhất trong quá trình tham vấn công chúng hiện nay. Chính việc tham vấn một chiều, “có đi mà không có lại”, không đúng thực chất, đã khiến cho người dân giảm sút niềm tin, không hào hứng và tích cực đóng góp ý kiến cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
NGUYỄN TRIỆU HẢI