.

Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững

Cập nhật: 18:16, 28/03/2018 (GMT+7)

“Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” là chủ đề “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018” được Bộ Công thương triển khai trong hội nghị mới đây tổ chức vào nửa cuối tháng 3 tại TP. Đà Nẵng. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình gian lận thương mại hiện nay diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng (NTD). 

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây có khá nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân, cơ sở làm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại được các cơ quan chức năng phát hiện xử lý, báo chí đăng tải thông tin như: Vụ nhập lậu thuốc điều trị ung thư giả của Công ty CP VN Pharma; vụ bắt giữ hàng tấn bột ngọt giả các nhãn hiệu uy tín (tại quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh); cơ sở kinh doanh Nón Kiên Nga (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất, kinh doanh nón giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới (Adidas, Nike, Gucci, Levis, Polo...) với số lượng hàng chục ngàn chiếc; thịt bò giả được chế biến “phù phép” từ thịt heo nái được bày bán ở các chợ với lời rao thịt bò Úc, Hàn Quốc, giá rẻ chỉ bằng nửa thịt bò trong nước…

Tương tự, từ đầu năm đến nay, nhiều bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về tình trạng mua bán qua mạng online gặp phải hàng mỹ phẩm, quần áo may sẵn kém chất lượng; thuốc tân dược giả, thuốc đông y dạng viên không rõ nguồn gốc uống vào ngứa da; đổ xăng thiếu dung tích so với số tiền thực trả tại trạm xăng; hàng thủy sản (tôm, cá, mực) ướp hàn the, phân u rê, hóa chất diệt côn trùng; rau xanh còn dư lượng thuốc trừ sâu; mũ bảo hiểm giả, nhái nhãn hiệu bày bán ở nhiều nơi…

Sau gần 7 năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng (từ 1-7-2011), công tác bảo vệ quyền lợi của NTD trong thời gian qua trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong kinh doanh cũng như trong hoạt động tiêu dùng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh kỹ thuật số đã xuất hiện nhiều hình thức bán hàng qua mạng, cung ứng dịch vụ qua biên giới đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước thực hiện công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi NTD chưa được bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có thành lập Hội bảo vệ NTD, nhưng nhiều nơi hoạt động còn mang tính hình thức, sự can thiệp vào các vụ việc để bảo vệ NTD chưa thực sự đạt hiệu quả…

Chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” của “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018” được xem là thông điệp khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của DN và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD; kêu gọi các DN, người bán hàng thực hiện kinh doanh lành mạnh, xem NTD là động lực cạnh tranh và phát triển của DN. Đối với NTD, cần tìm hiểu, nắm vững thông tin sản phẩm trước khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ; thường xuyên cập nhật thông tin về kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái; trong trường hợp quyền lợi của mình bị xâm hại do người bán hàng gây ra, chủ động thương lượng với người bán hàng để khắc phục, nếu không thương lượng được thì yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước, Hội bảo vệ NTD hỗ trợ hoặc có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án giải quyết. 

Mặt khác, chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững” còn chứa đựng nội dung về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo lập sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trung thực, bảo đảm quyền lợi NTD. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh không lành mạnh, xâm phạm đến lợi ích của NTD.

NHỰT THANH

.
.
.