.

"Bao giờ cho đến tháng Năm…"

Cập nhật: 18:17, 27/03/2018 (GMT+7)

Tin từ Bộ NNPTNT cho biết, tháng 5 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm việc và có thể gỡ “thẻ vàng” cho hàng thủy sản của VN xuất khẩu vào EU.

Năm 2017, EU đã vượt Mỹ để trở thành thị trường số 1 của thủy sản VN với giá trị nhập khẩu 7,565 tỉ USD. Nếu thủy sản bị EU cấm cửa, bao nhiêu hệ lụy to lớn và lâu dài sẽ xảy ra, gây tổn thất cho ngư dân, DN chế biến và xuất khẩu, cho toàn ngành thủy sản và uy tín hàng hóa của VN nói chung trên các thị trường quốc tế. Vì vậy, thông tin về khả năng thủy sản VN có thể sắp thoát “thẻ vàng” của EU đúng là một tin vui.

Xin nhắc lại vắn tắt sự việc. Tháng 5-2017, EU cử đoàn sang kiểm tra hoạt động đánh bắt thủy sản của VN và họ đưa ra 5 cảnh báo về hoạt động khai thác thủy sản không hợp pháp của VN. Năm tháng sau, nhận thấy VN không có gì tiến triển sau cảnh báo, ngày 23-10-2017, EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác trên biển của VN. Sau 6 tháng bị “thẻ vàng”, nếu VN vẫn không có tiến bộ trong việc khắc phục nạn khai thác trái phép, EU sẽ “rút thẻ đỏ”, cấm thủy sản nước ta bán vào EU.

Một khi ngư dân đi đánh bắt vượt qua hải phận của nước mình; hoặc đánh bắt theo lối “tận diệt”, không bảo đảm duy trì sinh thái đều bị EU cho là đánh bắt bất hợp pháp. EU rất quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái biển, cho nên không chỉ với VN, mà họ còn phạt các nước ASEAN khác như Thái Lan, Philippines "thẻ vàng", còn Campuchia là "thẻ đỏ".

Vậy căn cứ vào đâu để đặt hy vọng vào tháng Năm tới? Bộ NNPTNT cho biết, tại buổi làm việc mới đây của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với đại diện EU, hai bên ghi nhận VN đã triển khai các biện pháp mạnh để gỡ “thẻ vàng”; số tàu cá và ngư dân VN khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, gần như không còn tàu cá đánh bắt trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương…

Những “biện pháp mạnh” đầu tiên là hoàn chỉnh các quy định của pháp luật. Ngay khi chuyện “thẻ vàng” xuất hiện, tại hội thảo “Thị trường EU - cơ hội xuất khẩu cho các DN trong bối cảnh mới”, một phó vụ trưởng của Bộ Công thương đã nói, nếu VN ban hành đủ các văn bản pháp luật để hạn chế việc khai thác bất hợp pháp, thì ngành thủy sản được “giải cứu”. Ở cuộc họp báo Chính phủ tháng 11-2017, Bộ NNPTNT thông báo đã có chương trình, giải pháp chi tiết để thực hiện các khuyến cáo của EU đối với thủy sản VN; mà trước hết là xây dựng thể chế phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EU. Sau đó, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản sửa đổi, trong đó thể hiện tối đa các khuyến cáo của EU; còn Bộ NNPTNT đang chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, và các địa phương – trong đó có tỉnh BR-VT, cũng đã tích cực triển khai các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên biển.

Lấy việc xây dựng thể chế của VN sao cho phù hợp với quy định của quốc tế làm bước đi mở đầu hành trình gỡ “thẻ vàng” của EU là một bằng chứng cho thấy khi hội nhập, chúng ta không còn một mình một chợ, một ngựa một đường, mà phải học, phải sửa mình, để được “chơi” trong một sân chung, theo luật chung. Vì thế Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các luật trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đưa vào luật VN những điều ước quốc tế mà nước ta đã tham gia - trước hết là luật về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn… để bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, đồng thời vượt qua các khó khăn, thách thức của việc hội nhập…

Bao giờ cho đến tháng Năm… là thời điểm EU có thể gỡ “thẻ vàng”! Nhưng thoát thẻ phạt chỉ là chuyện trên ngọn; còn gốc rễ sâu xa là phải hoàn thiện hơn nữa thể chế và năng lực quản lý nghề cá, phải làm cho ngư dân hiểu trong việc này họ có trách nhiệm và vai trò quan trọng; biết khai thác hợp pháp để giữ cho biển mãi là nguồn sống bền vững và để thương hiệu thủy sản VN có uy tín, bán được đi khắp thế giới.

HẢI THANH

 

.
.
.