Vui chưa trọn
Nông dân xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) rất phấn khởi với vụ mùa khoai mì đầu năm 2018 đang thu hoạch.
Năng suất đạt 30-32 tấn/ha, tăng 3-5 tấn/ha so với những năm trước là niềm vui không nhỏ đối với bà con. Hơn nữa, giá mì tươi năm nay cũng nhích hơn năm ngoái 300-500 đồng/kg. Giá thu mua tại rẫy mì hiện đã được 2.000 - 2.100 đồng/kg. Bà con còn chọn những thân cây suông đẹp, mạnh khỏe chặt thành những hom mì giống để dành cho mùa tới, hoặc bán hom giống cũng được bộn tiền. Theo anh Lê Văn Tài, tổ 8, ấp Thanh An, xã Láng Dài, sau khi tính toán trừ cây giống, phân bón, công chăm sóc, mỗi ha khoai mì đem lại cho gia đình anh xấp xỉ 50 triệu đồng.
50 triệu đồng quả là số tiền không nhỏ đối với bà con làm nông. Nhưng 50 triệu đồng cho 1 ha chăm bẵm trồng, làm cỏ, tưới nước, đào bới của cả 1 vụ sắn kéo dài 9-10 tháng/vụ chưa thấm vào đâu so với công sức người nông dân đã bỏ ra. Với khí hậu miền Nam ôn hòa, nhiều nắng, đủ nước tưới như hiện nay thì mỗi năm, sắn ngọt để ăn tươi, thì có thể làm 2 năm 3 vụ. Nhưng đối với sắn lấy bột thì người nông dân BR-VT chỉ làm được 1 vụ. Đó là chưa kể tình trạng được mùa mất giá vẫn thường xuyên xảy ra đối với các loại nông sản, nên con số 50 triệu đồng vẫn là con số bấp bênh, không phải cứ có trồng là có thu bạc triệu như mong muốn.
Những năm gần đây, diện tích trồng mì giảm dần so với trước, từ 9.400 ha niên vụ 2015-2016 xuống còn 8.800 ha niên vụ 2016-2017 và niên vụ 2017-2018 chỉ còn 8.500 ha. Tại sao thời tiết thuận lợi, năng suất tăng mà diện tích trồng mì ở một vùng đất nhiều thuận lợi cho cây mì phát triển như BR-VT lại cứ sụt giảm?
Hiệp hội sắn Việt Nam trong một báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất và xuất khẩu tinh bột mì đã nhận định, cây khoai mì hiện là cây công nghiệp chủ lực, thu 1 tỷ - 1,3 tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ tập trung vào thương lái, người nông dân trồng khoai mì vẫn nghèo. Tại các vùng trồng khoai mì nguyên liệu chính như Đồng Nai, Tây Ninh, Đắc Lắc, nông dân vẫn cứ than phiền rằng tuy khoai mì hiện đã có giá nhưng thương lái thường hùn nhau ép giá thấp, thậm chí không mua khiến khoai thu hoạch chất đống. Người trồng và chế biến khoai mì lắm lúc phải đối mặt với những khó khăn như giá cả bấp bênh; mùa vụ thu hoạch ồ ạt; chưa có chính sách hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nhà máy hợp lý và thị trường tiêu thụ khoai mì còn hạn chế, bị thương lái, nhà máy ép giá.
Câu chuyện ép giá, khó tiêu thụ vẫn là cái vòng lẩn quẩn của nông sản Việt Nam được lý giải bằng một thực tế hết sức đơn giản là, chúng ta chưa đủ mạnh để đầu tư, đưa công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Việt Nam hiện có hơn 560.000 ha đất trồng khoai mì, sản lượng khoảng 9,4 triệu tấn/năm, 30% được dùng làm thực phẩm, thức ăn gia súc, dược phẩm, sản xuất ethanol, rượu công nghiệp, 70% xuất khẩu. Việt Nam xuất khẩu khoai mì nhiều thứ hai thế giới sau Thái Lan, thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippin và Đài Loan, trong đó Trung Quốc nhập khẩu tới 85,6% tổng sản lượng khoai mì của Việt Nam xuất khẩu. Bột mì Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng, trong đó có cả độ nở lẫn độ dẻo. Và bột mì là nguồn nguyên liệu cơ bản cho sự ra đời của rất nhiều các sản phẩm: thực phẩm, bánh kẹo, thuốc, bột ngọt, chất làm ngọt, ván ép, giấy, dệt may, dùng thay thế cho chất dẻo trong vật liệu đóng gói… Khoai mì lát và bột viên được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và sản xuất rượu. Tuy nhiên, với công nghệ thô sơ như chúng ta hiện có thì các nhà máy cũng chỉ đơn thuần làm được công đoạn chuyển hóa củ khoai mì tươi thành tinh bột. Bột mì vẫn còn xuất thô để sau đó chúng ta, hàng năm, nhập khẩu khá nhiều các loại bánh kẹo, thực phẩm từ chính các nước chúng ta xuất thô cho họ tinh bột khoai mì.
Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” nhấn mạnh nội dung: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn”. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nền sản xuất của mỗi nước đều chiếm vị trí quan trọng. Nền nông nghiệp của “ứng dụng khoa học, công nghệ” càng quan trọng hơn khi nó giúp cho ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở tăng năng suất, mà chính là ở việc nâng cao giá trị của nguồn nguyên liệu. Câu chuyện bán thô sản phẩm, bị động về thị trường, về giá cả, và về cả nguồn lợi mà người nông dân xứng đáng được thụ hưởng với những gì họ làm ra, nhờ vậy sẽ giảm dần theo thời gian.
GIA AN