"Nói không với bia, rượu..."
Mấy ngày cuối tuần vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh và các địa phương ra quân kiểm tra xử lý nồng độ cồn tại các tuyến đường có nhiều quán ăn như đường Thống Nhất mới (TP. Vũng Tàu), đường Phạm Hùng (TP. Bà Rịa)… Nhiều “đệ tử lưu linh” biết thông tin này loan báo cho nhau tìm cách “né” cảnh sát, bởi nếu ai “xui xẻo” bị kiểm tra nồng độ cồn sau khi đã ngà ngà say thì khó mà tránh khỏi lãnh biên lai xử phạt. Mà xử phạt về nồng độ cồn theo quy định mới (Nghị định 46/CP) thì không hề nhẹ, chỉ cần uống từ 2 lon bia trở lên là có thể dính mức phạt từ 2-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy, đối với người lái ô tô mức phạt cao nhất lên tới 18 triệu đồng!
Tăng mức phạt cao như vậy nhưng tình trạng lái xe say rượu gây tai nạn giao thông (TNGT) ở các địa phương vẫn chưa giảm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và những ngày đầu năm mới. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm nay cả nước có 1.500 người chết và 2.500 người bị thương do TNGT, riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán xảy ra 218 vụ TNGT, làm 195 người chết và 199 người bị thương. BR-VT nằm trong tốp 7 tỉnh có số người chết vì TNGT trong dịp Tết cao (10 người). Báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh cho thấy, trong 2 tháng đầu năm (tính từ 16-12 – 2017 đến 15-3-2018) toàn tỉnh xảy ra 138 vụ TNGT làm 63 người chết, 133 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017 số vụ TNGT tuy có giảm 19 vụ, nhưng số người chết lại tăng 5 người. Điều đáng chú ý là trong số các vụ TNGT nghiêm trọng dẫn đến chết người có nhiều trường hợp do người điều khiển phương tiện tự gây tai nạn cho mình. Mặc dù chưa thống kê cụ thể có bao nhiêu phần trăm vụ TNGT tự gây liên quan đến bia, rượu nhưng qua quan sát thực tế số người chết do đang chạy xe gắn máy tự đâm vào gốc cây, cột điện, hoặc tự ngã trên đường phần đông là do say xỉn. Uống bia, rượu lái xe không chỉ dễ gây ra tai nạn cho bản thân, mà còn làm liên lụy đến người đi đường. Đã có biết bao người phải nhận lãnh cái chết oan uổng, hoặc mang thương tật suốt đời bởi đang đi trên đường bỗng nhiên bị kẻ say rượu đâm vào. Đằng sau những cái chết “trên trời rơi xuống”đó là biết bao gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.
Uống rượu, bia gây TNGT cho người khác là một tội ác. Thế nhưng, điều trớ trêu là nhiều người không ý thức được nguy cơ nghiêm trọng của hành vi lái xe khi say xỉn. Khi người dân thiếu ý thức thì việc sử dụng biện pháp chế tài là điều cần thiết. Thời gian qua, dư luận rất đồng tình, ủng hộ việc Chính phủ cho tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Vấn đề còn lại là thực thi quy định đó như thế nào để mang lại hiệu quả lâu dài. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 2 -2018 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, đặc biệt là xử phạt nghiêm không du di cho bất cứ trường hợp nào vi phạm về nồng độ cồn. Biện pháp này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tức thời. Tuy nhiên về lâu dài, việc tuần tra, kiểm soát khó có thể duy trì được thường xuyên vì lực lượng cảnh sát giao thông mỏng, còn phải tập trung xử lý nhiều việc khác. Vì vậy, đối với việc đấu tranh phòng chống tác hại của bia, rượu trong lĩnh vực ATGT, hiệu quả sẽ bền vững hơn nếu cả nước cùng đồng loạt thực hiện cuộc vận động sâu rộng trong cộng đồng. Việt Nam đã thành công trong cuộc vận động thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Kết quả đó là một bài học đáng giá cho các địa phương thực hiện cuộc vận động “Nói không với bia, rượu khi tham gia giao thông” kết hợp cùng các biện pháp chế tài đã đủ mạnh.
LAM PHƯƠNG