.

Văn hóa bình luận

Cập nhật: 07:50, 23/03/2018 (GMT+7)

“Comment” (bình luận) là thuật ngữ để chỉ các ý kiến, chia sẻ, trao đổi, phản biện của một cá nhân về một vấn đề nào đó trên các mạng xã hội hoặc các website. Trong giới truyền thông hiện nay, hầu như các trang tin điện tử hoặc báo điện tử đều có mục bình luận để người đọc có thể chia sẻ cảm xúc, bày tỏ ý kiến của mình. Đây cũng là nơi để các tòa soạn kết nối với độc giả, qua đó tạo ra một không gian tương tác sống động, thúc đẩy tranh luận về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, nâng cao hiệu quả thông tin. Không ít “comment” của người đọc tuy ngắn gọn nhưng sâu sắc, giàu thông tin, đã gợi mở thành những đề tài mới cho các tòa soạn báo. Thế nhưng, bên cạnh những “comment” mang tính khách quan, xây dựng có không ít bình luận thiếu nghiêm túc, thiếu chuẩn mực, thậm chí có dụng ý xấu, bịa đặt, xuyên tạc nhằm vu khống, bôi nhọ các cá nhân, tổ chức, thương hiệu; thể hiện qua những lời lẽ thô lỗ, dung tục, thiếu văn hóa.

Dạo một vòng qua các trang tin, diễn đàn, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy những “comment” có nội dung gây choáng và sốc đó. Chúng sở dĩ xuất hiện thoải mái là chủ sở hữu các trang mạng, diễn đàn online, trang tin điện tử không có bộ phận chuyên trách để quản lý, biên tập, duyệt đăng các bình luận của người đọc hoặc có nhưng làm việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Tất cả những “comment” của độc giả gửi tới, hay dở, tốt xấu thế nào đều được đưa lên nguyên xi, không hề được biên tập, sửa chữa. Trên các báo điện tử chính thống, do biên tập viên phụ trách non yếu nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhãn quan chính trị, không nhìn ra “ẩn ý”, thỉnh thoảng cũng để “lọt lưới” những comment “có vấn đề”.Trên một trang tin điện tử, đọc kỹ hàng trăm “comment” được đăng dưới tin tường thuật về phiên tòa xét xử một hoa hậu bị truy tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của đại gia X. người ta thấy rất nhiều người vì bênh vực cô hoa hậu đã “đá xéo” vị đại gia bằng những comment hằn học, chua cay. Một số khác thì mắng vị đại gia bằng những từ nặng nề như hèn hạ, bệnh hoạn, sở khanh (?!). Điều đáng lo ngại là những “comment” đầy tính thiên vị, ác ý, quá khích như vậy đang có xu hướng lan rộng trên nhiều trang web, diễn đàn online dành cho giới trẻ-nơi mà hầu hết “comment” được “đẩy” lên thoải mái, không phải qua kiểm duyệt như các báo điện tử chính thống.“Comment” có văn hóa là phẩm chất cần có của một cư dân mạng, một độc giả. Đọc một “comment”, người ta biết được tác giả có văn hóa, có nhân cách hay không. Vì vậy, hãy “comment” bằng tâm thế chân thành, khách quan và xây dựng, không nên nên tung ra những bình luận mang tính phiến diện, cực đoan, bôi nhọ, nhạo báng người khác bằng những  lời lẽ khiếm nhã, mất lịch sự. Cần thận trọng, tỉnh táo khi gõ phím bởi mỗi câu chữ bình luận khi viết ra có sức “sát thương” rất cao, có thể gây ra những hậu quả tai hại cho các cá nhân, tổ chức… Tự do ngôn luận là một quyền hiến định, nhưng hoàn toàn không có nghĩa một cá nhân muốn “comment” gì cũng được, “bình luận” như thế nào tùy thích. Các “comment” không được vượt ra ngoài những giá trị đạo đức của cộng đồng, không được vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp.Nếu chỉ kêu gọi lòng tự trọng và ý thức công dân của người viết “comment” cũng chưa đủ. Đã đến lúc cần quản lý chặt các “comment” trên báo điện tử (và trên fanpage của các báo). Ban biên tập (hoặc ban quản trị) các trang tin, các báo mạng phải có trách nhiệm về các “comment” của độc giả khi đăng chúng trên trang báo của mình. Các tòa soạn phải biên tập và duyệt kỹ các ý kiến của độc giả gửi tới nhằm bảo đảm xuất hiện trên mặt báo các “comment” có trách nhiệm, giàu thông tin, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định pháp luật và tôn chỉ của tờ báo.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.