.

Áp đặt chọn nghề?

Cập nhật: 17:26, 20/03/2018 (GMT+7)

Chương trình “Tư vấn mùa thi 2018” diễn ra từ đầu tháng 3 đến nay đã và đang thu hút sự quan tâm đối với nhiều gia đình và các em học sinh lớp 12 năm học 2017-2018. Tại các buổi tư vấn, với sự tham gia đông đảo của phụ huynh và học sinh, đã có rất nhiều câu hỏi và thắc mắc được nêu lên xung quanh việc chọn nghề và những thông tin mới về Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.

Chọn bậc học nào hay nghề nào? Phụ huynh áp đặt hay hướng dẫn, tư vấn? Học sinh tự quyết định hay chạy theo phong trào? Đang là những vấn đề bức xúc và gay cấn đối với các gia đình có học sinh học lớp 12 hiện nay. Thực tế những năm qua cho thấy, gia đình có ảnh hưởng khá lớn tới quyết định chọn nghề hay xu hướng nghề nghiệp của các em học sinh. Đa số các bậc phụ huynh đều muốn cho con em học hết THPT, thi tốt nghiệp đạt điểm cao, được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và chọn được nghề mà sau khi ra trường có việc làm ngay. Bên cạnh đó, có không ít phụ huynh muốn con em mình vào được các ngành, nghề nổi tiếng, có thu nhập cao. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, do ít có điều kiện để tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh, các bậc cha mẹ thường để cho học sinh tự chọn nghề nên dễ bị hụt hẫng, tiếc nuối.

Sau 12 năm ăn học, rèn luyện, việc tìm hiểu ngành nghề mà các em muốn theo đuổi suốt cuộc đời là điều hiển nhiên. Chọn một nghề theo nguyện vọng và năng lực là chọn cho mình một tương lai. Chọn đại một nghề hay chọn theo phong trào là tự đặt mình vào một tình thế bấp bênh, một tương lai không thật sự vững chắc. Vì vậy việc chọn nghề không thể là bột phát, không thể nay chọn nghề này, mai chọn nghề khác, càng không thể chọn nghề theo phong trào. Học sinh lớp 12 muốn chọn đúng ngành nghề theo khả năng, đúng sở thích thì phải trải qua một thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm về ngành, nghề mình sẽ chọn, trên cơ sở phải hiểu được chính mình, phải biết được năng lực học tập, sở thích và sở trường của bản thân, cộng với sự tư vấn kịp thời, có hiệu quả của gia đình, nhà trường và các cơ sở tuyển sinh. Vì vậy, để xác định được việc mình sẽ phù hợp với ngành, nghề nào, bậc học nào, mỗi học sinh hãy tự suy xét từ sở thích, tính cách, học lực của bản thân và điều kiện của gia đình. Từ đó chọn ra những ngành, nghề thích hợp nhất theo đúng nguyện vọng, năng lực và hoàn cảnh của mình.

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng bắt đầu từ ngày 1-4 đến 20-4-2018. Thông tin mới nhất trong hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2018 cho biết, Bộ GD-ĐT quy định mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong 2  phương thức: Trực tuyến (từ ngày 19-7 đến ngày 26-7) hoặc bằng Phiếu ĐKXT (từ ngày 19-7 đến ngày 28-7). Từ nay đến hạn chót nộp hồ sơ, thực sự là giai đoạn nước rút trước ngưỡng cửa chọn nghề đối với học sinh lớp 12. Đây cũng là thời điểm mà các bậc phụ huynh nên tham gia vào việc định hướng, tư vấn cho con, em chọn trường, chọn ngành học. Sự quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh cũng là điều dễ hiểu. Bởi ai cũng mong muốn cho con em mình chọn được một nghề đúng với mong muốn của gia đình. Chính từ sự lo lắng ấy dễ dẫn tới việc phụ huynh áp đặt việc chọn ngành, nghề cho con, em của họ. Trong thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã áp đặt cho con, em mình  phải học ngành này, không học nghề kia, mặc dù không hiểu hết sở thích và năng lực học của các em, nên sau khi ra trường các em đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chuyên môn. Thất vọng và tự trách mình thì đều đã muộn. 

Ngành nào, nghề nào, bậc học nào cũng cao quý. Điều quan trọng là ngành, nghề đó phù hợp với năng lực học tập, năng khiếu, sở thích của học sinh và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

HOÀNG LÊ

.
.
.