.

Kỳ thị chính mình vì mắc bệnh lao

Cập nhật: 18:18, 23/03/2018 (GMT+7)

Tôi từng tiếp xúc với không ít bệnh nhân lao, có cả những bệnh nhân là lao động nghèo, có cả công chức, giáo viên và nhiều ngành nghề khác nữa. Đa phần bệnh nhân đều rất ngại khi người khác biết về bệnh tình của mình.

Tôi cũng từng biết về một bệnh nhân chỉ vì nỗi sợ những người xung quanh xa lánh, kỳ thị mình mà phải chết tức tưởi. Anh ấy từng là một võ sĩ Taekwondo, có thân hình cường tráng, sức khỏe ít người địch lại nổi. Anh không ngờ rằng, mình có thể mắc bệnh lao và đã âm thầm tự điều trị bằng mọi cách. Anh tìm đến bác sĩ khi đã quá muộn và không thể điều trị khỏi do lao kháng thuốc, anh chết khi còn rất trẻ, mới chỉ qua tuổi 30. Điều đáng tiếc là anh đã bỏ qua cơ hội điều trị khỏi của chính mình chỉ vì không thắng nổi sự tự ti, mặc cảm khi mắc bệnh lao.

Nhiều bác sĩ chuyên khoa lao chia sẻ, đa số các bệnh nhân đều đề nghị được giữ kín thông tin bởi họ là người có kinh tế khá giả, có học thức, có địa vị xã hội. Họ đã “tự kỳ thị chính mình” hạn chế về kiến thức và phòng lây nhiễm cộng đồng. Việc giữ kín này đã khiến cho những người tiếp xúc gần không phòng ngừa nên dễ bị nhiễm lao một cách thụ động.

Một người bạn của tôi vừa điều trị khỏi bệnh lao sau gần 1 năm được phát hiện. Anh khỏe lên trông thấy, tăng cân nhiều. Điều đáng “khoe” ở đây là ngay khi nghi ngờ bị mắc bệnh lao, anh đã chủ động đi khám tầm soát và tự phòng lây nhiễm cho người thân, cộng đồng. Anh không chỉ đeo khẩu trang, ăn uống, sinh hoạt cách ly theo đúng hướng dẫn mà còn nhắc khéo mọi người rằng: Chính mình đang mắc bệnh lao, kể cả khi đã qua giai đoạn nguy cơ lây nhiễm cao để phòng ngừa. Theo anh, chẳng việc gì phải xấu hổ khi mắc bệnh lao, bởi ngay cả bác sĩ còn lây nhiễm nữa là mình. Hồi xưa, bệnh lao “tứ chứng nan y” nên ai cũng sợ và xa lánh người mắc bệnh, còn nay đã khác! Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn và có thể tránh lây nhiễm cho người xung quanh nếu tuân thủ đúng cách phòng tránh. Anh đã lấy câu chuyện của chính mình để chuyển tải thông điệp phòng ngừa bệnh lao cho bất cứ ai mà anh tiếp xúc. 

Trong Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, rất cần thay đổi về tư duy ở mỗi người, xóa bỏ bằng được rào cản kỳ thị của chính bệnh nhân và cộng đồng đối với  bệnh lao. Bởi bệnh lao là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta hiểu và được điều trị đúng cách.

SƠN TRÀ

 

.
.
.